1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia Nga: Nguy cơ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Theo chuyên gia Nga, ba yếu tố chính có thể dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đều đang hiện diện.

Tờ Lenta của Nga ngày 11/3 dẫn lời Giáo sư Paul Shlikov của Viện châu Á và châu Phi thuộc Đại học Lomonosov cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang lâm vào một tình huống vô cùng khó khăn là phải đối mặt với nhiều mối nguy cùng lúc đến từ sự chia rẽ về chính trị-xã hội, sự suy thoái kinh tế, sự leo thang căng thẳng cả ở trong và ngoài nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Theo GS Shlikov, việc quân đội can thiệp mạnh mẽ trong tiến trình chính trị là một trong những đặc điểm của lịch sử gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này làm tăng khả năng dẫn tới đảo chính quân sự tại quốc gia này.

Đặc biệt, ba yếu tố chính có thể dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đều đang hiện diện gồm: sự gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, sự gia tăng các mối đe dọa bên ngoài và sự tác động mạnh mẽ tới vấn đề người Kurd.

Sau sự sụp đổ của tiến trình hòa bình với các nhà lãnh đạo người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đã buộc phải thực hiện một liên minh chiến thuật với tầng lớp ưu tú của quân đội, lực lượng mà ông đã chủ động khắc chế trong năm 2007-2008.

Điều này thể hiện rõ ràng thông qua việc chính phủ hỗ trợ quân đội trong quá trình càn quét khu vực đông nam đất nước, nơi có chủ yếu người Kurd sinh sống, vào mùa xuân năm 2015.

Bên cạnh đó, ông cũng mở đường cho sự can thiệp chính trị khác của quân đội. Vào thời điểm này, quân đội khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Trong nước Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại, quân đội cũng đóng một vai trò làm đối trọng với chính sách đối ngoại nguy hiểm của Tổng thống Erdogan. Cách đây một năm, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không ngăn cản ông Erdogan xâm lược Syria và tình trạng này được lặp lại vào tháng trước.

Đối với vấn đề người Kurd, theo ước tính, có đến 15-20 triệu người Kurd sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm đến 15% dân số nước này. Sau khi Ankara quyết định không cung cấp hỗ trợ cho người Kurd bị IS vây hãm ở Syria, nhiều người Kurd vốn ủng hộ ông Erdogan bắt đầu thay đổi suy nghĩ.

Sự thất vọng gia tăng khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ với người Kurd đối lập bị đổ bể và Ankara quay trở lại với các biện pháp quân sự trong việc giải quyết vấn đề người Kurd.

Một yếu tố quan trọng nữa làm gia tăng bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ đến từ khu vực biên giới bất ổn và bị xé nát bởi cuộc chiến ở Syria. Lượng lớn người tị nạn và gồm những kẻ khủng bố ồ ạt tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ qua con đường này. Những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia tăng một cách đáng kinh ngạc.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở ngã ba đường và phải lựa chọn giữa một nước cộng hòa do Tổng thống Erdogan cai trị và một quốc gia tự do dân chủ giống như một quốc gia Châu Âu, nhưng với một số đặc điểm cụ thể.

Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào ban lãnh đạo của nước này. Theo hiến pháp, người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Nhưng trên thực tế, quyền lực được tập trung trong tay Tổng thống Erdogan.

Trong một bài báo viết cho Trung tâm phân tích Gatestone Institute (Mỹ) hồi cuối tháng 2/2016, bình luận viên Burak Bekdil của Hurriyet Daily nhận định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đà sụp đổ. Ông dẫn chứng bằng sự bất ổn đang ngự trị trong chính sách nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ trong bảy tháng, hơn 170 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố ở những thành phố khác nhau trong nước - con số này chỉ là một phần trong hàng trăm người thiệt mạng vì đối đầu giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

"Bên ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗn loạn. Đất nước này tiến hành cuộc chiến tranh gián tiếp ngày càng nguy hiểm với người Shiite và chính phủ Damascus, Baghdad, Tehran, cũng như với Nga, quốc gia đang hỗ trợ họ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thù địch với các quốc gia là Lebanon, Libya, Israel và Ai Cập" - bài báo viết.

Trong bối cảnh Nga triển khai vũ khí ở Syria (sau khi Ankara bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga) Thổ Nhĩ Kỳ "có vẻ bất lực". Và các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh sự lạnh lùng cực độ về vấn đề hỗ trợ Ankara trong trường hợp diễn ra xung đột với Nga, tác giả ghi nhận.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt