Chuyên gia Nga: Mỹ tuyên chiến với Nga khi cấp tên lửa cho Ukraine tấn công
(Dân trí) - Chuyên gia quân sự Nga cho rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga là một hành động tuyên chiến.
Ông Yuri Knutov, chuyên gia quân sự và sử gia phòng không Nga, cảnh báo cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS vào vùng Bryansk của Nga hôm 19/11 đồng nghĩa với việc Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng những tên lửa này để tấn công vào lãnh thổ Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đã tuyên chiến với Nga.
"Về cơ bản, đây là hành động tuyên chiến với đất nước chúng tôi", ông Knutov nói với hãng tin Sputnik (Nga).
Theo ông Knutov, đây chính xác là lý do khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Lầu Năm Góc không chính thức xác nhận việc cấp phép cho Kiev sử dụng các tên lửa tầm xa để chống lại Nga, từ đó tránh đưa ra lời tuyên chiến chính thức.
Ông Knutov lập luận rằng đây là một phần trong kế hoạch của 3 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp và Anh, nhằm thực sự tiến hành cuộc chiến chống lại Nga. Chuyên gia Nga đề cập đến việc Pháp và Anh cũng có động thái cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Scalp của Pháp và Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công bằng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào vùng Bryansk.
"Theo dữ liệu đã xác nhận, tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất đã được sử dụng", Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
Quân đội Nga đã sử dụng hệ thống phòng không S-400 và hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir để đánh chặn các tên lửa của Ukraine.
ATACMS là tên lửa chiến thuật do Mỹ sản xuất. Tên lửa này có tầm bắn 300km, có khả năng mang đầu đạn 170kg.
Liên quan đến cuộc tấn công ATACMS gần đây vào lãnh thổ Nga, ông Knutov cảnh báo những tên lửa này là mục tiêu khó khăn đối với hệ thống phòng không của Nga, một phần là do nhiều tên lửa do Mỹ cung cấp cho Ukraine có đầu đạn chùm.
Do vậy, ngay cả khi tên lửa bị đánh chặn, vẫn luôn có nguy cơ đầu đạn tên lửa phát nổ trong quá trình đánh chặn và bắn trúng mục tiêu dự định, cũng như gây thiệt hại cho bất kỳ mục tiêu nào trong tầm bắn bằng đạn chùm.
"Các hệ thống phòng không S-400, có khả năng đánh chặn các mục tiêu nhanh và cơ động hơn, khá thành công khi chống lại ATACMS. Hệ thống phòng không Pantsir của Nga, một vũ khí có khả năng đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa chiến thuật như ATACMS, cũng khá thành công", chuyên gia Knutov nhấn mạnh.
Theo ông Knutov, những thành công của Nga trong việc đánh chặn các tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, bao gồm nỗ lực mới nhất của Ukraine và NATO nhằm tấn công vùng Bryansk bằng những vũ khí này, có thể dẫn đến việc gia tăng nhu cầu về các hệ thống phòng không của Nga trên thế giới.
Ông Knutov chỉ ra rằng nhiều quốc gia trên thế giới thiếu các hệ thống vũ khí như S-300V4, S-350 Vityaz, S-400, Buk-M3 hoặc Pantsir, "tức là các hệ thống có thể đánh chặn thành công tên lửa ATACMS".
"Chúng tôi đã chứng minh rằng Nga sở hữu hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, đó là lý do sự quan tâm đến hệ thống phòng không của chúng tôi lại tăng lên rất nhiều", ông giải thích.
Hàng loạt động thái căng thẳng đã diễn ra trong những ngày gần đây khi xung đột Ukraine leo thang.
Vụ tấn công của Ukraine vào vùng Bryansk của Nga diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin sau đó đã ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, cho phép Moscow có quyền lựa chọn triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, học thuyết hạt nhân sửa đổi cho phép Nga đáp trả NATO trong trường hợp xảy ra những cuộc tấn công như Tổng thống Biden được cho là đã "bật đèn xanh" cho Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố các cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa ATACMS vào vùng biên giới của Nga là "dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn leo thang".