Philippines bùng nổ tranh luận cách ứng phó với luật hải cảnh Trung Quốc
(Dân trí) - Philippines đang xảy ra tranh cãi nội bộ về cách phản ứng với luật hải cảnh mới của Trung Quốc, khi có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc có nên kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế hay không.
SCMP đưa tin, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Harry Roque, và Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jnr đang mâu thuẫn về cách ứng phó với luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Luật này có hiệu lực hôm 1/2, cho phép tàu hải cảnh của Bắc Kinh tấn công vào tàu nước ngoài.
Ông Locsin đã gạt bỏ gợi ý của ông Roque đưa ra hôm 1/2 rằng Manila đang cân nhắc kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển vì vấn đề này.
"Tôi không nghe theo ông Roque. Rất quý mến ông ấy nhưng Roque không có năng lực trong lĩnh vực này. Chúng ta sẽ không quay lại La Hay (Hà Lan). Chúng ta có thể thua những gì chúng ta đã từng thắng", ông Locsin nói, nhắc lại vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016.
Trong khi đó, ông Roque ngày 2/2 nhấn mạnh rằng với việc từng là Chủ tịch Hiệp hội Luật Quốc tế Châu Á, ông biết mình đang nói về điều gì.
Phán quyết năm 2016 của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc không có "quyền lịch sử" ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là "đường chín đoạn".
Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn chưa lên tiếng, các tuyên bố mâu thuẫn nhau giữa 2 quan chức cấp cao của Manila cho thấy nước này vẫn chưa thống nhất rõ ràng về cách ứng phó với luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Cả hiệp hội ngư dân Philippines và ông Locsin đều coi động thái của Bắc Kinh là "mối đe dọa chiến tranh". Ông Locsin cũng đã gửi công hàm ngoại giao phản đối hành động trên.
Phía Trung Quốc đã bảo vệ động thái ban hành luật hải cảnh mới bằng cách mô tả rằng nó là "luật trong nước", nói thêm rằng "nhiều quốc gia đã ban hành luật tương tự" và "không luật nào trong số này được coi là mối đe dọa chiến tranh".
Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã viện dẫn "Luật Cảnh sát biển của Philippines năm 2009" và cho rằng quốc gia Đông Nam Á đã thiết lập lực lượng hải cảnh "như một lực lượng có vũ trang và đồng phục".
Tuy nhiên, giới quan sát quan ngại Trung Quốc có thể sử dụng luật này để cho phép hải cảnh của họ dùng vũ lực ở những vùng biển mà Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền phi pháp và vô lý.