Mỹ chỉ trích Trung Quốc "mượn" luật hải cảnh đe dọa láng giềng
(Dân trí) - Mỹ lo ngại luật hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm leo thang tranh chấp trên biển và được Bắc Kinh sử dụng để theo đuổi các yêu sách phi pháp.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington "lo ngại về ngôn ngữ trong luật hải cảnh mới của Trung Quốc, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ lực, bao gồm lực lượng vũ trang, để thực thi các yêu sách của Trung Quốc cũng như sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ và trên biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông".
Ông Price cho rằng ngôn ngữ trong luật hải cảnh mới có hàm ý "nhằm đe dọa các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc".
"Chúng tôi lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng luật này để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp của họ ở Biển Đông, mặc dù các yêu sách này từng bị bác bỏ trong phán quyết của tòa thường trực hồi năm 2016", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Luật hải cảnh Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố luật mới ra đời nhằm làm rõ vai trò và thẩm quyền của lực lượng hải cảnh nước này, đồng thời khẳng định chính sách hàng hải của Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Luật mới cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc phá hủy các công trình do nước ngoài xây dựng ở vùng biển hoặc trên các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, luật còn cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc lên tàu, khám xét hoặc nổ súng vào các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền.
"Chúng tôi muốn nhắc Trung Quốc và tất cả lực lượng khác hoạt động trên Biển Đông rằng, các lực lượng hàng hải có trách nhiệm cần hoạt động với sự chuyên nghiệp và kiềm chế trong việc thực thi quyền của mình", ông Price nói.
Ông Price cho biết chính quyền tân Tổng thống Joe Biden tái khẳng định tuyên bố hồi tháng 7 năm ngoái của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp".
Ông Price nhấn mạnh Mỹ sẽ duy trì cam kết vững chắc với các đồng minh của mình là Nhật Bản và Philippines. Washington có hiệp ước phòng vệ chung với cả 2 nước này và thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật hải cảnh mới của Trung Quốc vì động thái này liên quan tới những hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh ở quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông - nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện tại Senkaku với tần suất kỷ lục trong năm 2020. Sau khi luật hải cảnh mới có hiệu lực, số lần các tàu này đi vào vùng biển nơi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền tăng gấp nhiều lần.
Philippines hồi tháng trước cũng gửi công hàm ngoại giao phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc, thậm chí chỉ trích luật này là "đe dọa chiến tranh".
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi.
Ngoại trưởng Blinken tuyên bố quần đảo Senkaku, nơi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, trong đó hai nước cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bên còn lại bị tấn công.