1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia lên tiếng chuyện Mỹ muốn lập hạm đội mới tại Singapore

An Bình

(Dân trí) - Mỹ đã thể hiện rõ muốn lập một hạm đội mới đặt tại Singapore để đối phó với sự bành trướng và lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch này.

Chuyên gia lên tiếng chuyện Mỹ muốn lập hạm đội mới tại Singapore - 1

Trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ)

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite đã đề xuất thành lập một hạm đội mới tại “giao lộ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” trong một hội nghị trực tuyến hôm 17/11.

“Chúng tôi không chỉ thể dựa vào Hạm đội 7 ở Nhật Bản. Chúng tôi muốn thành lập một hạm đội mới”, ông nói. “Chúng ta phải nhìn sang các đồng minh và đối tác khác như Singapore, như Ấn Độ, và phải thực sự có một hạm đội, nơi sẽ rất phù hợp nếu chúng ta gặp phải bất kỳ một cuộc xung đột nào”, ông Braithwaite nói thêm.

“Quan trọng hơn, nó có thể cung cấp sự răn đe đáng gờm hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi sẽ thiết lập Hạm đội 1, và chúng tôi sẽ đặt nó, nếu không phải ở Singapore, chúng tôi sẽ phải xem xét để đưa nó theo hướng linh hoạt hơn và di chuyển qua Thái Bình Dương cho tới khi nó là nơi các đồng minh là đối tác nhìn thấy rằng hạm đội có thể hỗ trợ tốt nhất cho họ cũng như chúng tối”, quan chức trên nhấn mạnh.

Ông Braithwaite cho hay, ông chưa thảo luận kế hoạch trên với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller, nhưng đã trao đổi với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người mới bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải hồi tuần trước.

Trang USNI News đưa tin về kế hoạch trên, nhưng cho biết ông Braithwaite chưa công bố các thông tin chi tiết như Hạm đội 1 sẽ có quy mô ra sao, có bao nhiêu tàu sẽ được điều động triển khai từ các hạm đội khác cho hạm đội mới, hay các hoạt động sẽ được phân chia như thế nào giữa các hạm đội khác nhau tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hạm đội 7 của Mỹ, đóng tại Yokosuka (Nhật Bản), hoạt động trên khoảng 48 triệu dặm vuông, từ Đường đổi ngày quốc tế ở giữa Thái Bình Dương tới biên giới Ấn Độ-Pakistan tại Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Hạm đội 5 đóng tại Bahrain, phụ trách hoạt động ở Trung Đông và tây Ấn Độ Dương.

Thế khó của Singapore trong cuộc đấu Trung - Mỹ

Chuyên gia lên tiếng chuyện Mỹ muốn lập hạm đội mới tại Singapore - 2

Căn cứ hải quân Changi của Singapore - nơi thường đón tiếp các tàu Hải quân Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Có ý kiến cho rằng, xét từ góc độ Hải quân Mỹ, có cơ sở để thiết lập một hạm đội mới của Mỹ trong khu vực, do Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản đã “quá tải” vì vai trò lớn và chịu trách nhiệm về “những thách thức hàng hải lớn nhất” của Washington.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hàng hải châu Á nhận định rằng đề xuất bất ngờ trên của Washington là một biện pháp thăm dò đơn phương của chính quyền Tổng thống Trump và nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ khu vực hay chính quyền Biden sắp tới nếu không có sự suy tính kỹ lưỡng.

Mặc dù các quốc gia châu Á cơ bản tiếp tục chào đón sự hiện diện gia tăng của Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc, nhưng các nhà quan sát cho rằng việc thành lập một căn cứ mới, lâu dài của Mỹ trong khu vực có thể "chọc giận" Bắc Kinh và điều này sẽ gây lo ngại đối với các chính phủ tại những nước láng giềng.

Bộ Quốc phòng Singapore hồi tuần này cho biết chưa có các cuộc thảo luận mới nào với phía Mỹ về việc triển khai thêm các tàu chiến tại đây. Singapore - cũng như các đối tác chiến lược quan trọng khác của Washington tại Đông Nam Á - dường như khó bật đèn xanh cho một căn cứ hải quân lâu dài của Mỹ trên đất của mình vì vẫn luôn tránh ấn tượng rằng nước này đang tham gia một liên minh quân sự chính thức với Washington.

 “Tôi tin rằng chính quyền Biden sẽ thận trọng hơn đối với sự nhạy cảm chính trị khu vực để xem xét phù hợp đề xuất trên với các đồng minh và đối tác của Mỹ, nếu không muốn nói là sẽ hủy đề xuất ngay vào tháng 1 tới”, chuyên gia an ninh khu vực tại Singapore Collin Koh nhận định.

Olli Pekka Suorsa, một chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết ông tin rằng đề xuất đó dường như là chỉ là một tín hiệu của Mỹ gửi tới Bắc Kinh về “các ý định lâu dài và các quyết tâm của nước này nhằm cạnh tranh với Trung Quốc”.

Chuyên gia Collin Koh cho rằng đề xuất trên dường như là một kế hoạch chưa được cân nhắc kỹ càng. Ông so sánh nói với một đề xuất khác từ chính quyền Trump khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tháng 8/2019 đề xuất triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á.

Tuy nhiên, kế hoạch đó cho tới nay đã bị các nhà phân tích xem là một "ước mơ viển vông", vì thậm chí các đồng minh hiệp ước của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không hào hứng chào đón các căn cứ tên lửa của Mỹ.

Việc ông Braithwaite đề cập trực tiếp tới Singapore là nơi đặt căn cứ hải quân mới cũng gây ra sự khó hiểu đối với các nhà phân tích.

Kể từ năm 1990, Singapore đã cho phép Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự. Các tài sản của Hải quân Mỹ, trong đó có các tàu ngầm hạt nhân và các nhóm tàu sân bay, thường xuyên tới thăm căn cứ hải quân Changi - nơi là điểm tiếp nhiên liệu và tiếp tế cho các lực lượng Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Kể từ năm 2013, Singapore đã bắt đầu đón các tàu chiến ven bờ của Mỹ được triển khai luân phiên và sau đó là các máy bay giám sát hàng hải hiện đại P-8 Poseidon.

Tuy nhiên, các thỏa thuận trên không tạo thành một liên minh quân sự chính thức giữa quốc gia Singapore và Mỹ. Chính Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh trong những lần gần đây rằng mối quan hệ chiến lược giữa nước này với Washington không đồng nghĩa với việc Singapore đứng về bên nào trong cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Singapore cho biết thỏa thuận năm 2012 về việc triển khai luân chuyển 4 tàu chiến ven bờ của Mỹ vẫn là thỏa thuận có hiệu lực về việc triển khai hải quân của Mỹ đến nước này và cho tới nay chưa có đề nghị hoặc thảo luận nào về việc triển khai bổ sung các tàu chiến Mỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm