Chuyên gia giải mã "nước cờ" của ông Trump khi muốn thâu tóm Greenland
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn sử dụng đảo Greenland để mở rộng hiện diện quân sự của Washington tại Bắc Cực.
Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây liên tục tuyên bố Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, nên trở thành một phần của Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia và quốc phòng trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Ông Trump cho rằng "việc sở hữu và kiểm soát Greenland là một điều hoàn toàn cần thiết". Ông cũng để ngỏ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để kiểm soát vùng lãnh thổ này.
Ông Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Quân sự và Chính trị, nói với hãng tin Tass (Nga) rằng, kế hoạch thâu tóm Greenland của ông Trump tiềm ẩn một số rủi ro nhất định đối với sự ổn định quân sự và chính trị ở Bắc Cực, đặc biệt là việc biến Greenland thành "một khu vực quân sự hóa nghiêm trọng mới".
"Vùng lãnh thổ này sẽ được sử dụng để mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ. Các chính trị gia Đan Mạch tuyên bố rằng họ đã gửi một thông điệp tới ông Trump, trong đó họ đề nghị hợp tác về một thỏa thuận an ninh, trên thực tế là về việc bố trí vũ khí của Mỹ", ông Mikhailov nhận định.
Tiềm năng địa chính trị
Theo giải thích của chuyên gia, động thái của chính quyền Trump ở Greenland bắt nguồn từ tiềm năng địa chính trị của khu vực này.
"Hiện nay, Nga, với lãnh thổ rộng lớn, sở hữu gần một nửa khu vực Bắc Cực. Ngoài ra, Nga đang rất tích cực phát triển Tuyến đường Biển phía Bắc (NSR)", nhà phân tích cho biết.
"Mỹ không thể cho phép điều này. Một lần nữa, Nga rất tích cực trong việc củng cố Bắc Cực về mặt quân sự. Có một căn cứ của Nga ở Franz-Josef. Máy bay quân sự và hệ thống phòng không và chống tên lửa được triển khai ở phía tây bắc của đất nước. Chúng tôi đang củng cố Viễn Đông và Quần đảo Kuril", ông Mikhailov nói thêm.
Theo ông Mikhailov, ông Trump đương nhiên "nhìn ra tất cả điều này".
"Ông ấy đã quyết định thay đổi tình hình trên toàn cầu. Ông ấy đã nhiều lần nói rằng ông ấy muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Ông ấy đã nhận ra rằng trong phạm vi biên giới hiện tại, nước Mỹ sẽ không bao giờ trở nên vĩ đại trở lại", chuyên gia lý giải.
Tầm quan trọng của Greenland
Theo ông Mikhailov, Greenland có ý nghĩa đặc biệt đối với Mỹ.
"Vùng lãnh thổ này rất rộng lớn. Nhiều nơi cằn cỗi và băng giá, nhưng ở một số vị trí nhất định trên hòn đảo này có các căn cứ quân sự của NATO. Trong đó quan trọng nhất là các hệ thống phòng thủ tên lửa - radar của NATO. Đương nhiên, Mỹ có xu hướng coi vùng lãnh thổ này là một khu vực tiềm năng, ví dụ, các tên lửa tầm trung có thể bay qua vùng Bắc Cực, theo một tuyến đường ngắn hơn, tấn công nhiều mục tiêu khác nhau ở bất kỳ nơi nào bên trong lãnh thổ Nga", chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông Mikhailov "xét về mặt này, Greenland là một vùng lãnh thổ mới".
"Đầu tiên, để bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Thứ hai, để có thể triển khai các vũ khí tấn công, chính xác là các tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Thứ ba, vùng lãnh thổ này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Người Mỹ đã nhiều lần tranh luận với Nga về thềm lục địa Bắc Cực, về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong tương lai từ đáy Bắc Băng Dương nói chung", ông Mikhailov nói.
Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch với dân số chỉ 57.000 người, sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên phong phú. Tuy nhiên, nền kinh tế của hòn đảo phụ thuộc vào ngành đánh bắt cá và các khoản trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch nên phát triển tương đối chậm.
Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự cố định tại Căn cứ Không gian Pituffik ở phía tây bắc Greenland. Việc mua lại lãnh thổ này có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga và khiến Mỹ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, quốc gia đã gia tăng hoạt động khai thác tại khu vực Bắc Cực trong những năm gần đây.