Các nghị sĩ Cộng hòa Mỹ đề xuất dự luật "thâu tóm" Greenland
(Dân trí) - Một số nghị sĩ Cộng hòa Mỹ đang cố gắng kêu gọi sự ủng hộ đối với dự luật về việc cho phép các cuộc đàm phán mua lại đảo Greenland.
Theo truyền thông Mỹ, dự luật có tên gọi "Dự luật Đưa Greenland vĩ đại trở lại" do 10 nghị sĩ Cộng hòa đề xuất, dẫn dắt bởi nghị sĩ Andy Ogles và Diana Harshbarger.
Dự luật, nếu được thông qua, sẽ cho phép Tổng thống Mỹ tham gia đàm phán với Đan Mạch vào ngày 20/1, thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Dự thảo dự luật cho biết: "Quốc hội ủy quyền cho Tổng thống, bắt đầu lúc 12h trưa ngày 20/1 tìm cách tham gia đàm phán với Vương quốc Đan Mạch để đảm bảo việc Mỹ mua lại Greenland".
"Muộn nhất 5 ngày sau khi đạt được thỏa thuận với Vương quốc Đan Mạch liên quan đến việc Mỹ mua lại Greenland, Tổng thống sẽ chuyển thỏa thuận đó tới các ủy ban quốc hội thích hợp, bao gồm tất cả các tài liệu và phụ lục liên quan", dự luật nhấn mạnh.
Dự luật phản ánh mong muốn của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi gần đây ông liên tục đề cập đến việc mua lại đảo Greenland. Ông từng theo đuổi thương vụ mua lại hòn đảo lớn nhất thế giới này trong nhiệm kỳ đầu nhưng thất bại.
Tuần trước, ông tuyên bố không loại trừ sử dụng biện pháp quân sự để đạt được mục tiêu. Ông nhấn mạnh, Greenland "tuyệt đối cần thiết đối" với an ninh của Mỹ.
Greenland là lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, được quy định trong hiến pháp Đan Mạch. Điều đó có nghĩa là bất kỳ thay đổi nào về tình trạng pháp lý của Greenland đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp.
Greenland có tổng diện tích gần 2,2 triệu km2, trong đó băng bao phủ tới 80%. Mặc dù vậy, Greenland được đánh giá ngày càng có giá trị kinh tế cao nhờ giàu tài nguyên khoáng sản, thuận lợi cho hàng hải trong điều kiện băng tan.
Ngoài ra, Greenland còn hấp dẫn bởi có vị trí địa chính trị quan trọng nằm giữa Mỹ và châu Âu. Thủ phủ Nuuk của Greenland gần New York của Mỹ hơn là thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Greenland được coi là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
"Mỹ quyết tâm đảm bảo rằng không có cường quốc thù địch nào kiểm soát Greenland, bởi vì hòn đảo này có thể trở thành bàn đạp để tấn công Mỹ", ông Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, nhận định.
Hiện tại, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ theo đuổi mong muốn sở hữu Greenland đến đâu sau khi nhậm chức, song giới quan sát cho rằng ông hoàn toàn nghiêm túc với đề xuất mua lại hòn đảo.
Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 12/1, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance cho rằng Washington "sẽ đạt được một thỏa thuận ở Greenland" kể cả không cần đến biện pháp quân sự. Ông một lần nữa nhấn mạnh Greenland "thực sự quan trọng đối với nước Mỹ về mặt chiến lược và có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời".
"Tại đây chúng ta thật sự có cơ hội nắm quyền lãnh đạo nhằm bảo vệ an ninh nước Mỹ, đảm bảo rằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kinh ngạc đó được khai thác. Ông Donald Trump giỏi về chuyện này. Ông ấy giỏi trong việc đạt được các thỏa thuận và tôi nghĩ rằng sẽ đạt được một thỏa thuận ở Greenland", ông nói.
Ông Vance cũng cáo buộc chính phủ Đan Mạch chưa hành động đủ để bảo vệ hòn đảo.