Khảo sát: Hơn một nửa người Greenland ủng hộ sáp nhập vào Mỹ
(Dân trí) - Khảo sát do một tổ chức thực hiện cho thấy hơn 50% số người Greenland tham gia ủng hộ hòn đảo trở thành một phần của Mỹ.
Hơn một nửa cư dân Greenland ủng hộ việc hòn đảo sáp nhập vào Mỹ, theo một cuộc khảo sát được tổ chức từ ngày 6-11 tháng 1 bởi tổ chức phi chính phủ Patriot Polling có trụ sở tại Mỹ.
Phần lớn người tham gia khảo sát (57,3%) đồng tình với ý tưởng Greenland trở thành một phần của Mỹ, trong khi 37,4% phản đối. Còn lại, 5,3% chưa đưa ra quyết định.
"Trong thời gian cuộc khảo sát này diễn ra, ông Donald Trump Jr (con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump) đã có chuyến thăm tới Greenland", các nhà khảo sát cho biết, đồng thời lưu ý rằng cuộc thăm dò được thực hiện trên 416 người dân Greenland.
Gần đây, ông Trump liên tục đề cập đến ý tưởng Mỹ sẽ tìm cách mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới với 57.000 dân. Ông tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để có được Greenland. Ông cho biết, hòn đảo này có vai trò quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia của Mỹ trước các mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc.
Tuần trước, con trai ông Trump đã đến thăm Greenland. Tuy nhiên, giới chức Greenland coi đây là một chuyến đi cá nhân và do vậy không có bất cứ cuộc gặp gỡ nào giữa giới chức địa phương và con trai của ông Trump.
Giới chức Greenland cũng thẳng thừng bác bỏ ý tưởng của Mỹ mua lại Greenland. "Hòn đảo của chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán", người đứng đầu chính quyền Greenland, ông Mute Egede, cho biết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ông sẵn sàng đàm phán với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo ông Egede, những tuyên bố của ông Trump là "nghiêm túc" nhưng "Greenland thuộc về người dân Greenland". Ông lưu ý rằng hợp tác quốc tế với các đồng minh là rất quan trọng và hòn đảo này sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong tương lai.
Ông cũng nhắc lại tham vọng của Greenland giành độc lập từ Đan Mạch và cho biết người dân Greenland không muốn là người Đan Mạch hay người Mỹ.
Trước đó, một cuộc khảo sát được công bố năm 2019 bởi Đại học Copenhagen và Đại học Greenland cho thấy 67% người dân Greenland ủng hộ hòn đảo này độc lập.
Greenland được trao quyền tự trị vào năm 1979. Mỹ đã có một căn cứ quân sự ở Greenland và một thỏa thuận quốc phòng năm 1951 với Đan Mạch, điều này có thể dễ dàng dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trên đảo.
Các quan chức Đan Mạch đã thông báo rằng họ đang tìm kiếm các biện pháp bổ sung để tăng cường đầu tư vào cơ sở và năng lực quân sự ở Greenland, với sự tham vấn của chính quyền Greenland.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho hay, bà đã đề xuất một cuộc thảo luận với đội ngũ của ông Trump. Bà nói rằng, Đan Mạch và Mỹ, đồng minh số một, có chung mục tiêu là "tăng cường an ninh cho liên minh phương Tây".
Greenland, hòn đảo tự trị của Đan Mạch nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Đan Mạch. Hòn đảo này tự chủ trong các vấn đề đối nội trong khi Copenhagen quan tâm tới quốc phòng và chính sách đối ngoại.
Greenland nhiều năm qua đã thu hút sự quan tâm từ các nước lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ vì lợi thế địa chiến lược và nguồn khoáng sản phong phú.