1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia: Dịch corona mới nguy hiểm hơn Sars, số người chết sẽ tăng lên

(Dân trí) - Các chuyên gia đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, thậm chí dự đoán số người thiệt mạng có thể lớn hơn so với đại dịch Sars năm 2003.

Chuyên gia: Dịch corona mới nguy hiểm hơn Sars, số người chết sẽ tăng lên - 1

Một nhân viên y tế theo dõi các bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt ở Vũ Hán hôm 6/2. (Ảnh: EPA)

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra đang lan rộng ra toàn thế giới, khiến hơn 810 người thiệt mạng. Số người chết do dịch corona đã vượt qua số ca tử vong trong đại dịch Sars (hội chứng viêm đường hô hấp cấp), cũng khởi phát từ Trung Quốc cách đây gần 20 năm.

Chưa đầy 2 tháng sau khi xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, vào cuối tháng 12 năm ngoái, số ca nhiễm virus corona chủng mới đã tăng lên tới hơn 37.000 trường hợp. Con số này lớn hơn rất nhiều so với 8.100 trường hợp nhiễm Sars, khi đại dịch này bùng phát trên toàn thế giới trong vòng 8 tháng hồi năm 2002-2003, làm đảo lộn các hoạt động đi lại, kinh doanh và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cướp đi sinh mạng của 774 người trước khi bị khống chế.

Cả Sars và nCoV đều là “thành viên” của một họ virus lớn hơn, gây ra các chứng bệnh từ cảm lạnh thông thường cho tới truyễn nhiễm gây chết người. Mặc dù đều khởi phát từ Trung Quốc trước khi lan rộng ra nhiều quốc gia khác, song Sars và nCoV vẫn có hướng phát triển khác nhau.

Dựa trên số liệu mới được cập nhật và tốc độ lây nhiễm của virus corona chủng mới, các chuyên gia dự đoán số người thiệt mạng và bị nhiễm virus nCoV có thể sẽ lớn hơn so với dịch viêm đường hô hấp cấp Sars.

 

Hệ thống y tế tại thành phố Vũ Hán đã bị quá tải bởi dịch corona, do năng lực hạn chế trong việc điều trị cho từng bệnh nhân cũng như chẩn đoán các ca bệnh mới. Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc không thể thống kê hết các trường hợp bệnh nhẹ.

“Tôi vẫn tin vào báo cáo của họ, nhưng tôi không dám đảm bảo rằng họ đang báo cáo con số chính xác. Cách duy nhất để có thể đảm bảo là bạn tới đó và giám sát họ”, Anthony S. Fauci, người đứng đầu Viện Quốc gia về Bệnh Lây nhiễm và Dị ứng thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết.

Các nhà chức trách Mỹ vẫn đang tìm cách đưa một nhóm tới Trung Quốc để nghiên cứu kỹ hơn về sự bùng phát của dịch corona.

Đại dịch Sars bắt đầu bùng phát từ năm 2002 khi xuất hiện báo cáo về bệnh viêm phổi lạ tại tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc. Dịch ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các bệnh viện tại Trung Quốc quá tải với số ca nhiễm bệnh và các du khách quốc tế đưa mầm bệnh lan ra tới 26 quốc gia.

Đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện đối mặt với rủi ro cao khi virus Sars lan rộng. Đại dịch Sars rốt cuộc được khống chế vào tháng 7/2003 sau khi các quy trình kiểm soát dịch bệnh được cải tiến, kết hợp với khuyến cáo của WHO về việc hạn chế đi lại tới những khu vực có nguy cơ nhiễm dịch.

Trong khi dịch Sars lây nhiễm và giết hàng trăm người bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, virus 2019-nCoV hiện chủ yếu hoành hành tại Trung Quốc đại lục, và mới chỉ có 2 ca tử vong bên ngoài.

Mức độ nguy hiểm của dịch corona

Chuyên gia: Dịch corona mới nguy hiểm hơn Sars, số người chết sẽ tăng lên - 2

Bên trong một khu vực cách ly ở Vũ Hán. (Ảnh: Xinhua)

Mặc dù Trung Quốc được ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng và thông tin minh bạch của nước này liên quan tới virus nCoV, song số ca nhiễm chưa được thông kế làm dấy lên nhiều lo ngại về dịch bệnh này.

“Khi bạn không biết kẻ thù của bạn, nỗi sợ về kẻ thù của bạn càng tăng lên”, Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, nhận định.

Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown ở Washington, cho biết mặc dù virus nCoV có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với Sars, nhưng số người lây nhiễm lớn hơn cho thấy nCoV là mối đe dọa thực sự.

“Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng số người chết (do nCoV) sẽ tiếp tục tăng lên. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu số ca nhiễm dịch không tăng trong vài tuần tới. Virus corona chủng mới có thể sẽ nghiêm trọng hơn Sars”, ông Gostin nhận định.

Amesh Adalja, học giả cấp cao về an ninh y tế công cộng tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, đồng ý rằng virus corona chủng mới rốt cuộc sẽ khiến nhiều người thiệt mạng hơn dịch Sars do cách thức mà nó lây nhiễm.

“Đặc tính lây nhiễm của virus này (nCoV) hoàn toàn khác so với Sars. Sars không lây nhiễm cho nhiều người như vậy. Mặc dù virus (corona) mới có tỷ lệ tử vong thấp hơn, song số người nhiễm quá lớn như vậy sẽ dẫn đến gánh nặng lớn hơn của dịch bệnh này”, ông Adalja nhận định.

Theo chuyên gia Adalja, một trong những thử thách cấp bách nhất hiện nay liên quan tới dịch corona là xác định tỷ lệ số ca nhiễm nhẹ và số ca nhiễm nghiêm trọng.

“Một khi chúng ta biết có bao nhiêu người bị nhiễm, và có bao nhiêu người chỉ bị các triệu chứng nhẹ, chúng ta có thể phân cấp rủi ro của virus tốt hơn”, chuyên gia Adalja nhận định.

Mặc dù WHO chưa đưa ra khuyến cáo với các nước về việc hạn chế đi lại do dịch corona, song mọi quốc gia đều đang tìm cách ngăn không cho dịch này xâm nhập vào lãnh thổ của mình. Các cuộc nghiên cứu về virus nCoV vẫn đang được tiến hành và thông tin về dịch bệnh này cũng như cách thức ngăn chặn có lẽ sẽ sớm được công bố.

“Các ẩn số về virus (corona) mới ngày càng ít đi”, David Heymann, người phụ trách chương trình ứng phó với dịch Sars của WHO, cho biết.

Thành Đạt

Theo Bloomberg, SCMP