Chuyên gia cảnh báo nguy cơ Covid-19 có thể tái bùng phát tới cuối năm 2024
(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát, dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái bùng phát tới cuối năm 2024.
Theo SCMP, nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia từ Đại học Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan của Mỹ đăng tải trên tạp chí Science hôm 14/4 đã đưa ra cảnh báo về khả năng Covid-19 tái bùng phát trong 4 năm tới.
“Ngay cả trong kịch bản dịch bệnh bị loại bỏ, việc theo dõi SARS-CoV-2 vẫn nên được duy trì vì dịch bệnh có thể tái bùng phát tới cuối năm 2024”, nghiên cứu cho hay.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc thực hành giãn cách xã hội có thể phải thực hiện tới năm 2022 cho tới khi kiểm soát được dịch bệnh.
Nghiên cứu không nói rằng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ cần phải thực hiện xuyên suốt trong 2 năm tới, nhưng gợi ý rằng “việc thực hiện cách ly kéo dài hoặc gián đoạn có thể cần tới năm 2022” trừ khi có vắc-xin hoặc phương pháp chữa trị, hoặc năng lực điều trị đặc biệt của các cơ sở y tế được tăng lên đáng kể.
Các nước trên thế giới đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa trường học, giảm các hoạt động không cần thiết ngoài trời trong nỗ lực chặn dịch lây lan, bất chấp những thiệt hại về kinh tế và xã hội.
Theo SCMP, dịch Covid-19 được coi là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Đại dịch đã khiến hơn 2 triệu người mắc và hơn 130.000 người thiệt mạng.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng dịch vẫn chưa đạt đỉnh trong khi Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết suy thoái gây ra bởi Covid-19 có thể sẽ là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng ở Mỹ những năm 1930.
Nghiên cứu của các chuyên gia Harvard sử dụng dữ liệu của Mỹ về 2 loại virus corona trước đó để phỏng đoán về “quỹ đạo lây nhiễm” của SARS-CoV-2 trong hàng loạt kịch bản bao gồm những sự thay đổi theo mùa, thời gian miễn dịch. Trong tất cả các mô hình được nghiên cứu, virus đều có thể “sinh sôi vào bất cứ thời điểm nào trong năm”, báo cáo kết luận.
Các chuyên gia cho biết mục tiêu của họ không phải là khuyến nghị về chính sách giãn cách xã hội mà là xác định các “quỹ đạo lây nhiễm” tiềm tàng của virus, các biện pháp can thiệp cần thiết thể tăng năng lực của các đơn vị y tế, cũng như đưa ra những lựa chọn để kiểm soát dịch bệnh lâu dài.
Nghiên cứu cho rằng việc giãn cách xã hội là cần thiết để giảm sức ép lên hệ thống y tế.
Đức Hoàng
Theo SCMP