Chưa tới 1% người Mỹ mắc Covid-19 sau khi tiêm đủ liều vắc xin
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng chưa tới 1% dân số Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc xin bị mắc Covid-19.
Theo New York Daily News, nghiên cứu do Quỹ Kaiser Family thực hiện cho thấy, những người Mỹ đã tiêm đủ mũi vắc xin chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số ca mắc Covid-19 thời gian qua.
Dữ liệu từ các bang tại Mỹ chỉ ra rằng Oklahoma là bang có tỷ lệ ca Covid-19 "đột phá" lớn nhất, ở mức 0,9%, trong khi Connecticut có tỷ lệ thấp nhất, vào khoảng 0,1%. Thuật ngữ ca Covid-19 "đột phá" chỉ người vẫn bị mắc bệnh dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Phân tích trên cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin trước sự nguy hiểm của Covid-19. Theo báo cáo, khoảng một nửa số bang tại Mỹ ghi nhận ca Covid-19 "đột phá". Cũng theo Quỹ Kaiser Family, hơn 90% trường hợp nhập viện và 95% trường hợp tử vong xảy ra ở những người chưa tiêm chủng. Tại hầu hết các bang, hơn 98% ca bệnh trong thời gian qua thuộc nhóm chưa tiêm chủng.
Kết quả này được công bố trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC gần đây đã cung cấp số liệu về số người nhập viện và tử vong vì các ca Covid-19 "đột phá". Theo đó, có chưa tới 0,004% người đã tiêm chủng đầy đủ bị mắc Covid-19 nghiêm trọng tới mức phải nhập viện và chỉ 0,001% người mắc Covid-19 "đột phá" đã tử vong. Hay nói theo cách khác, trên tổng cộng hơn 160 triệu người đã tiêm chủng đủ liều ở Mỹ, chỉ có 6.600 trường hợp mắc Covid-19 "đột phá" tình trạng nặng.
Giới quan sát đánh giá, những con số kể trên là khả quan và phù hợp với các phân tích trước đó rằng, hầu hết người chết vì Covid-19 ở Mỹ trong thời gian qua thuộc nhóm chưa đi tiêm chủng.
Các kết quả nghiên cứu được công bố vào cùng ngày Nhà Trắng thông báo hơn 70% dân số trưởng thành của Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin. Số liều vắc xin được tiêm trung bình 7 ngày cũng ghi nhận mức tăng đáng kể so với thời gian trước đó, khi chủng Delta nguy hiểm lây lan mạnh ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, gây ra mối đe dọa cho thành quả chống dịch của Mỹ.