1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Delta hoành hành, người từ chối tiêm vắc xin tại Mỹ hứng chỉ trích

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhiều người tiêm vắc xin ở Mỹ ngày càng giận dữ với những người từ chối tiêm chủng, khi số ca nhiễm tăng mạnh do biến chủng Delta.

Delta hoành hành, người từ chối tiêm vắc xin tại Mỹ hứng chỉ trích - 1

Người Mỹ tiêm vắc xin tại Indiana năm 2020 (Ảnh: Reuters).

John McCullough nhớ lại những trải nghiệm khủng khiếp về đại dịch Covid-19 khi còn làm công việc theo dõi liên lạc cho một sở y tế ở Alexandria, bang Virginia. McCullough đã tự bảo đảm an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh bằng cách: ở trong nhà phần lớn thời gian, đeo khẩu trang và chỉ tiếp xúc với rất ít người.

McCullough cũng tiêm vắc xin ngay sau khi đến lượt và háo hức được trở lại cuộc sống bình thường như anh mong ước từ lâu.

Khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 tăng cao vào mùa xuân và các ca nhiễm giảm mạnh, nhiều bang đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống lây nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố những người đã được tiêm chủng đầy đủ có thể bỏ khẩu trang.

"Tôi là một trong những người mà CDC nói rằng không cần đeo khẩu trang cả ở trong nhà và ngoài trời, tôi rất vui sướng", McCullough nói.

Nhưng niềm vui của McCullough không kéo dài lâu. Số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại, nhiều địa phương trên khắp nước Mỹ vội vã áp đặt lại các biện pháp hạn chế sau một mùa hè bình thường. Điều này khiến McCullough và nhiều người Mỹ đã tiêm vắc xin khác ngày càng tức giận với những người từ chối tiêm.

"Tôi đã làm những gì tôi cần phải làm. Nhưng những người đưa ra quyết định ích kỷ (khi không tiêm vắc xin) khiến tôi phải gánh chịu hậu quả", McCullough bức xúc.

Tại Mỹ, số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày tăng hơn 400% so với tháng trước. Các bệnh viện lại quá tải bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều người trẻ và hầu hết chưa được tiêm chủng.

Yêu cầu đeo khẩu trang được áp đặt trở lại ở nhiều khu vực tại Mỹ. CDC tuần trước đã cập nhật hướng dẫn, khuyến cáo những người tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong nhà tại những khu vực lây lan mạnh, nhằm ngăn chặn sự bùng phát của biến chủng Delta nguy hiểm.

Tại Alabama, bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước, Thống đốc Kay Ivey chỉ trích những người dân từ chối tiêm vắc xin, nói rằng "đã đến lúc lên án những người không tiêm chủng" vì sự gia tăng số ca nhiễm tại bang này.

Tại Alexandria, nơi McCullough sinh sống, khoảng 58,4% dân số từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ. Giới chức y tế bang đang kêu gọi người dân đeo khẩu trang, trong khi Thống đốc Virginia Ralph Northam khẳng định "tiêm chủng là cách chắc chắn nhất để chúng ta có thể chấm dứt đại dịch".

McCullough cho biết hiện anh đã đeo khẩu trang trở lại khi ra ngoài và lo lắng rằng cộng đồng của anh có thể sớm phải đối mặt với một đợt hạn chế nghiêm ngặt mới.

"Những hậu quả sẽ giáng xuống những người như tôi, phải gánh trách nhiệm. Và điều này khiến tôi rất tức giận", McCullough nói.

Theo dữ liệu của CDC, khoảng 57,4% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 và khoảng 49,5% đã được tiêm chủng đầy đủ. Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang bùng phát các ổ dịch nguy hiểm. Tỷ lệ nhập viện trung bình cao hơn gấp gần 3 lần tại các bang chỉ mới tiêm chủng đầy đủ cho chưa đầy một nửa số dân số so với những bang đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa dân số.

Tổng thống Joe Biden tuần trước cho biết đại dịch vẫn hoành hành "vì những người chưa được tiêm chủng".

"Nếu bạn không tiêm chủng, bạn dường như không sáng suốt như tôi nghĩ", ông Biden nói.

Tim Hildreth, 39 tuổi, sống ở Powder Springs, cảm thấy bực bội khi chỉ được hưởng cuộc sống trở lại bình thường trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi tiêm chủng. Hildreth tiêm vắc xin vì anh mong muốn quay trở lại cuộc sống như trước đại dịch và có thể tham dự các buổi hòa nhạc hay sự kiện thể thao. Nhưng bây giờ, khi số ca nhiễm mới tăng trở lại, Hildreth nói rằng "cảm giác như dịch bệnh sẽ không kết thúc".

Giám đốc khoa học Mitch Prinstein của Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho rằng, việc người đã tiêm chủng cảm thấy tức giận với việc đeo khẩu trang trở lại là điều dễ hiểu.

"Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể hiểu được sự tức giận trong bối cảnh mọi người đều kiệt sức, lo lắng, bất an và phân hóa nhận thức nghiêm trọng. Những yếu tố này rất thực tế và đáng lo ngại", Prinstein nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm