1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chưa đầy 100 ngày tới bầu cử Mỹ: Điều gì cũng có thể xảy ra

Minh Phương

(Dân trí) - Mọi thứ dường như đều đang bất lợi với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và 100 ngày tới sẽ quyết định liệu ông có thể lật ngược tình thế hay không.

Chưa đầy 100 ngày tới bầu cử Mỹ: Điều gì cũng có thể xảy ra - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt không ít bất lợi trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. (Ảnh: AP)

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu gạt nhiều kế hoạch sang một bên khi ông dường như không còn thể làm ngơ trước các kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông bị dẫn trước bởi đối thủ của đảng Dân chủ Joe Biden.

Ngày 26/7 đánh dấu mốc thời gian chỉ còn 100 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc đua vào Nhà Trắng đã ở giai đoạn nước rút song mọi yếu tố dường như đều bất lợi với ông Trump: các thành quả kinh tế bị chìm xuống, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và làn sóng biểu tình sắc tộc lan rộng.

Trong bối cảnh đó, khó một lãnh đạo đương nhiệm nào có thể trụ lại thêm một nhiệm kỳ, chưa kể đến một lãnh đạo với nhiều chính sách gây tranh cãi như ông Trump. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông Trump bị ông Biden dẫn trước khoảng 8-9%.

Nỗ lực lật ngược tình thế

Chưa đầy 100 ngày tới bầu cử Mỹ: Điều gì cũng có thể xảy ra - 2

Ông Trump thay đổi quan điểm về việc đeo khẩu trang phòng Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Gần đây, Tổng thống Trump dường như đã bắt đầu thay đổi chiến lược tranh cử khi ông nối lại các cuộc họp báo về dịch Covid-19, ủng hộ việc đeo khẩu trang và chi mạnh ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin, hủy sự kiện tập trung đông người như Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Jacksonville, Florida. Thay vì liên tục đưa ra thông điệp đại dịch sẽ “tự biến mất”, ông Trump mới đây thừa nhận, dịch có thể nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới trước khi có dấu hiệu tốt lên. Những động thái này được cho là nhằm tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo không còn coi nhẹ mối đe dọa từ Covid-19 như kia.

Ngoài ra, theo CNN, ông Trump cũng chú trọng đến việc “lập lại trật tự”. Ông dùng quyền hành pháp để điều hàng trăm đặc vụ liên bang tới các thành phố do đảng Dân chủ kiểm soát, nơi đang xảy ra các cuộc biểu tình và bạo lực, đặc biệt ở thành phố Portland, bang Oregon. Ông Trump tin rằng, các cử tri, đặc biệt cử tri ở vùng ngoại ô vốn mệt mỏi với tình trạng bất ổn xã hội, sẽ bị thuyết phục bởi thông điệp “lập lại trật tự” của ông.

Một điều cũng dễ nhận thấy nữa là ông Trump dường như đang tận dụng “lá bài Trung Quốc” để tiếp sức cho chiến dịch tranh cử. Những tuần gần đây, chính quyền của ông Trump đã liên tục áp các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc leo thang căng thẳng.

Thay vì dành những "lời có cánh" cho Bắc Kinh, chủ nhân Nhà Trắng nhiều lần cảnh báo cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tố Trung Quốc che giấu dịch khiến Covid-19 lan rộng gây hệ lụy khó lường cho thế giới.

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố cho thấy một lập trường cứng rắn hơn của Washington trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này, gọi đó là những yêu sách "phi pháp". Giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố lập trường đó sẽ mở đường để Washington có những hành động cứng rắn hơn nữa với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như các vùng biển khác trong khu vực.

Mỹ cũng gây sức ép cho các doanh nghiệp của Trung Quốc với việc kiểm soát chặt các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hay áp lệnh trừng phạt với tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Việc thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump có thể làm nức lòng các cử tri Mỹ theo chủ nghĩa dân tộc, mặt khác khiến không ít cử tri hoài nghi về mức độ cứng rắn của ứng viên Joe Biden với Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số cố vấn của ông Trump cảnh báo, chiến lược này nếu không tính toán kỹ lưỡng có thể gây ra tác động ngược lại.

“30 chưa phải là Tết”

Chưa đầy 100 ngày tới bầu cử Mỹ: Điều gì cũng có thể xảy ra - 3
Ông Trump liên tục bị ông Biden dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù ông Trump đang đối mặt nhiều bất lợi và liên tục bị ông Biden dẫn trước trong các cuộc khảo sát dư luận, song chưa thể chắc chắn điều gì cho đến những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử.

Năm 2016, khi chỉ còn khoảng 2 tuần trước cuộc bầu cử, cựu Giám đốc FBI James Comey đã gửi một lá thư thông báo cho quốc hội Mỹ về cuộc điều tra bê bối sử dụng email của ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Đây là một trong những diễn biến được cho là đã làm thay đổi đáng kể cục diện của cuộc bầu cử.

Bà Hillary luôn dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, thậm chí giành nhiều phiếu bầu phổ thông hơn, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại vì ít phiếu đại cử tri hơn. “Những bất ngờ tháng 10” khiến điều gì cũng có thể xảy ra với các cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 ở Mỹ.

Đó là chưa kể đến việc hiện tại ông Trump vẫn có lợi thế khi được đánh giá cao hơn ông Biden về khả năng điều hành kinh tế. Trong khi đó, các cử tri Dân chủ tỏ ra kém nhiệt huyết hơn trong nỗ lực ủng hộ ông Biden.