1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga: Đối thủ của đối thủ có là bạn ?

Chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ là cú huých đưa quan hệ Trung - Nga lên một tầm cao mới, tìm kiếm thêm đồng minh trong cuộc chiến không khoan nhượng với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga: Đối thủ của đối thủ có là bạn ? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức Vodka, bánh và trứng cá muối tại Vladivostok hồi tháng 9/2018. (Nguồn: Kremlin.ru)

Ngày 5/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức Nga và tham dự lễ kỷ niệm 70 năm quan hệ song phương. Tối 5/6, hai nhà lãnh đạo sẽ dành buổi tối tại Rạp hát Bolshoi, nơi tổ chức một buổi gala để tôn vinh tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Ngày hôm sau, ông Tập rời Moscow để tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg với tư cách khách mời danh dự.

Bánh bao, vodka nối tình Trung - Nga

Từ lâu, câu chuyện "tình thương mến thương" giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không phải chủ đề xa lạ với truyền thông quốc tế. Trong vòng 6 năm, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau trên dưới 30 lần và đây là chuyến thăm chính thức thứ 8 của ông Tập Cận Bình tới Nga. Hồi tháng 9/2018, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok (Nga), hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự gần gũi trước ống kính máy quay khi cùng nhau làm món bánh truyền thống của người Nga, nhấm nháp cùng trứng cá Caviar và đôi ba ly Vodka. Đây là cách đáp lễ của ông Putin, khi trong chuyến thăm Trung Quốc, ông cũng từng “xắn tay vào bếp” để chế biến món bánh bao theo phong cách nước chủ nhà.

Mối quan hệ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo cũng được chuyển hóa thành hợp tác song phương chặt chẽ và thiết thực. Trong 8 năm liền, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với thương mại song phương đạt 107 tỷ USD năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng, bất chấp những chao đảo của nền kinh tế thế giới. Moscow và Bắc Kinh đã kề vai sát cánh bên nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương trong các vấn đề nóng nhất, từ biến đổi khí hậu, chống khủng bố, thỏa thuận hạt nhân Iran, bán đảo Triều Tiên.

Sự đồng điệu đến lạ lùng này giữa hai cường quốc đến từ nhiều yếu tố khác nhau, song lớn nhất lại chính là quan hệ “đối thủ” của họ với Mỹ. Moscow và Washington tiếp tục trái ngược quan điểm khi nhắc đến những vấn đề Iran, Venezuela, Syria, Ukraine, xa hơn là tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Nga tại châu Âu dưới nhiều hình thức khác nhau. Về phần Trung Quốc, xung khắc thương mại Mỹ - Trung đang đi vào giai đoạn cao trào, chực chờ bùng nổ và mang lại những hậu quá khó lường về cả kinh tế, chính trị và xã hội cho cả hai bên. Trong bối cảnh đó, một chuyến thăm tới Nga, “đối thủ” nặng ký của Mỹ, là cách Trung Quốc thắt chặt và đẩy mạnh quan hệ thân thiết trước những sóng gió đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương.

Từ hợp tác kinh tế...

Một điểm sáng trong quan hệ kinh tế Trung – Nga chính là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft (Nga) Igor Sechin cho biết công ty đã cung cấp cho Trung Quốc hơn 50 triệu m3 dầu thô trong năm 2018, tăng 40 triệu khối so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 1,39 triệu thùng dầu/ngày. Theo kế hoạch, dự án đường ống dẫn dầu Năng lượng Siberia dài 4.000 km sẽ được Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga hoàn thành vào cuối năm 2019, qua đó có thể vận chuyển 38 tỷ m3 gas/năm tới Trung Quốc vào năm 2025.

Cường quốc châu Á tiếp tục là một trong những quốc gia nhập khẩu năng lượng nhiều nhất trên thế giới và một phần không nhỏ trong số đó đến từ xứ cờ hoa. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung khắc thương mại Mỹ - Trung đang ngày một leo thang, năng lượng có thể trở thành điểm yếu chí mạng và Trung Quốc cần tìm kiếm những phương án thay thế cho nguồn năng lượng từ Mỹ. Moscow, “đối thủ” của Washington cùng quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, với vai trò ngày càng lớn tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sẽ là chìa khóa cho bài toán khó nhằn này.

Tương tự, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng mạnh – nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga hiện đã đạt 18.8 tỷ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoài. Việc Moscow chịu lệnh trừng phạt của phương Tây đồng nghĩa với cơ hội để Bắc Kinh mở rộng thị trường tại xứ sở bạch dương, nơi thiếu vắng sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Quan trọng hơn, dù Mỹ vẫn là thị trường then chốt, song Trung Quốc đang muốn giảm thiểu thiệt hại bằng cách mở rộng đầu tư và kinh doanh tại các thị trường khác và Nga là một trong số đó. Moscow hiện đang là đối tác then chốt của Bắc Kinh trong chính sách Vành đai và Con đường (BRI); đổi lại, Trung Quốc có vai trò không thể thiếu trong các diễn đàn do Nga bảo trợ, cụ thể là Sáng kiến Á – Âu và Diễn đàn Kinh tế phương Đông.

...đến quân sự và vũ khí

Hợp tác quân sự cũng nhiều khả năng sẽ được thảo luận và thúc đẩy trong quan hệ song phương. Thỏa thuận chung Nga – Trung ký kết năm 2018, dù không bàn về khả năng thiết lập liên minh quân sự, song cho rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn và thực hiện các chiến dịch quân sự chung trong tương lai, như tập trận chung “Nhiệm vụ Hòa bình” và “Vùng Biển Chung” được thực hiện trong một thập kỷ qua. Quân đội Trung Hoa (PLA) rất coi trọng những sự kiện như vậy, bởi nó cung cấp kinh nghiệm và kỹ năng còn thiếu trong tác chiến.

Xuất khẩu vũ khí cũng tiếp tục là một điểm sáng trong quan hệ song phương, khi các hợp đồng Hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 bổ sung sức mạnh cho PLA và đóng góp lớn vào ngân sách của Moscow, qua đó góp phẩn cải thiện vị thế của hai cường quốc này trước những quyết sách ngày càng cứng rắn đến từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ châu Á tới châu Âu.

Quyết sách chung tay đối phó Mỹ của Nga và Trung Quốc còn được thể hiện rõ nét trong hợp tác trên các diễn đàn song phương, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ đôi “Kẻ tung người hứng” này từng không ít lần khiến Mỹ, Anh và Pháp nản lòng khi thẳng tay phủ quyết nhiều nghị quyết. Đơn cử như đầu tháng Ba, dự thảo Nghị quyết do Washington đề xuất về khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã giành được 9 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 3 phiếu trắng, nhưng không thể vượt ải Bắc Kinh và Moscow. Tăng cường liên lạc, đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn đa phương đang là cách bộ đôi này kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ tại các điểm nóng, như Venezuela, Syria, Triều Tiên hay Iran, trong bối cảnh ông Donald Trump đang rất cần những thành tích đối ngoại cho hồ sơ tranh cử Tổng thống năm 2020.

Có thể thấy tất cả các hợp tác nổi bật này không chỉ nhằm tăng cường và phát triển quan hệ song phương, mà còn hướng tới giữ chân “chú Sam”, song thành bại ra sao thì chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất.

Theo Minh Vương

Báo Thế giới & Việt Nam