1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính trường Hàn Quốc sóng gió vì phà Sewol

Hàn Quốc hôm 22-3 đã bắt đầu trục vớt phà Sewol, ba năm sau thảm họa đường thủy khiến 304 người thiệt mạng.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho hay một phần của phà Sewol đã được nâng lên khỏi mặt nước vào lúc 3 giờ 45 sáng 23-3. Hai chiếc sà lan đã được huy động để trục vớt chiếc phà dài 145 m và nặng 6.825 tấn này.

“Trở về” sau ba năm

Người phát ngôn Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) cho biết sẽ mất khoảng tám ngày để nâng toàn bộ chiếc phà và đưa về cảng Mokpo, phía Tây Nam Hàn Quốc. Sau đó, công tác đưa chiếc phà lên một bến tàu khô ráo sẽ mất thêm ít nhất bốn ngày.

CNN dẫn thông tin từ ông Lee Chul-jo, người đứng đầu dự án phục hồi phà Sewol, cho biết có tổng cộng 450 người sẽ tham gia công tác trục vớt con tàu, trong đó có 50 thợ lặn.

Theo Yonhap, trong một động thái hiếm hoi hôm 23-3, các đảng phái tại Hàn Quốc đã nhất trí kêu gọi nhà chức trách Hàn Quốc phục hồi phà Sewol cũng như tìm ra những người mất tích. Tuy nhiên, lãnh đạo lâm thời của đảng Hàn Quốc Tự do (LKP), ông In Myung-jin, đã tìm cách chèo lái sự chú ý của Hàn Quốc ra khỏi vụ chìm phà Sewol, theo Yonhap.

Đề cập tới vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị tàu ngầm Triều Tiên đánh chìm bằng ngư lôi cách đây bảy năm, ông In Myung-jin nói rằng an ninh không thể và sẽ không được bảo đảm bởi chỉ một đảng.

Trong khi đó, ông Yoo Seong-min, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng bảo thủ Bareun, lên tiếng phản đối việc chính trị hóa các thảm kịch quốc gia như vụ chìm phà Sewol. “Tôi hy vọng Bareun sẽ là đảng có thể xoa dịu tất cả và chưa bao giờ dùng vụ chìm tàu chiến Cheonan hay chìm phà Sewol để đạt được lợi ích chính trị” - ông Yoo chia sẻ.

Phà Sewol được đưa lên khỏi mặt nước ngày 23-3. Ảnh: AP
Phà Sewol được đưa lên khỏi mặt nước ngày 23-3. Ảnh: AP

“Vết đen” của bà Park

Công tác trục vớt phà Sewol cũng được tiến hành vào thời điểm bà Park Geun-hye vừa bị phế truất tổng thống Hàn Quốc không lâu. Điều này làm dấy lên lại những chỉ trích nhắm vào bà Park trên chính trường Seoul.

Korea Times bình luận vụ chìm phà Sewol là một điển hình cho thấy sự bất lực của chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hye. Những tranh cãi đã bắt đầu bùng phát khi chính phủ Hàn Quốc quyết định chọn công ty nhà nước Trung Quốc Shanghai Salvage tiến hành công tác phục hồi mặc dù công ty này không có lịch sử thành tích gì vang dội.

Công ty đã đề nghị sử dụng một ụ tàu nổi và các cần trục để tham gia công tác trục vớt. Tuy nhiên, một loạt thất bại sau đó đã cho thấy phương pháp này không thích hợp. Khi phương pháp đầu được công bố, một số chuyên gia đã hoài nghi và gia đình các nạn nhân yêu cầu chính phủ xem xét các ý kiến chuyên gia nhưng chính phủ phớt lờ.

Bà Park và các trợ lý cũng từng bị chỉ trích đã không tích cực tham gia quá trình tiếp nhận các báo cáo về thảm kịch Sewol trong suốt bảy giờ đầu khi phà chìm. Bà bị cho là đã không có mặt tại văn phòng tổng thống trong thời gian đó. Những phát ngôn của bà Park sau đó cho thấy bà không nắm bắt được tình hình, tờ Korea Times nhắc lại.

Đưa 9 nạn nhân cuối cùng "về nhà"

Gia đình của 9 nạn nhân vẫn còn bị mất tích cho rằng thi thể có thể vẫn bị mắc kẹt bên trong phà, do đó muốn chiếc phà được nâng lên nguyên vẹn.

Hôm 22-3, gia đình của các nạn nhân vụ chìm phà Sewol bày tỏ lo ngại trước vụ trục vớt này vì họ từng chứng kiến nhiều nỗ lực để phục hồi con tàu trước đây nhưng đều thất bại.

“Ngày hôm nay tôi đến đây là để nhìn được con tàu, nơi linh hồn con trai tôi đã bị vùi lấp” - Lim Young-jae, mẹ của một nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm phà, bày tỏ.

Chiếc phà chìm ở độ sâu 40 m ngoài khơi bờ biển Tây Nam Hàn Quốc vào ngày 16-4-2014. Hơn 300 hành khách, hầu hết là các học sinh cấp III đang đi dã ngoại tới đảo Jeju, đã thiệt mạng. Một cuộc điều tra sau đó phát hiện thuyền trưởng và các nhân viên trên phà đã lơ là nhiệm vụ.

________________________________

85,1 tỉ won (khoảng 72 triệu USD) là tổng chi phí của dự án phục hồi phà Sewol. Dự án được thực hiện bởi một liên minh các công ty, dẫn đầu là Công ty Shanghai Salvage của Trung Quốc.

Theo Bảo Anh

Pháp luật TPHCM