1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc có thể phản tác dụng

(Dân trí) - Các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo nỗ lực của các nhà ngoại giao nước này nhằm bảo vệ cuộc chiến chống Covid-19 có thể sẽ phản tác dụng nếu được triển khai quá cứng rắn.

Chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc có thể phản tác dụng - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: Reuters)

Theo SCMP, một làn sóng chủ nghĩa dân tộc mới đã trỗi dậy ở Trung Quốc khi nước này đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19, trong đó các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước đã góp phần đẩy làn sóng này lên cao trào.

Nhằm rao giảng thêm thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh tại quê nhà, đồng thời bày tỏ sự bất bình với những lời chỉ trích được cho là không công bằng từ nước ngoài, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã ồ ạt “đăng đàn” trên mạng xã hội cũng như các kênh truyền thông chính thức để bảo vệ cuộc chiến chống dịch của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng, chủ nghĩa dân tộc càng khiến thế giới rời xa Trung Quốc.

“Mục đích của họ nhằm đề cao hệ thống chính trị của Trung Quốc là vượt trội và xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu”, Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, phát biểu trong hội thảo trực tuyến do trường này tổ chức hôm 8/5.

“Tuy nhiên vấn đề ở đây là, họ đã không nhận ra những tình huống phức tạp nảy sinh trên quy mô toàn cầu khi dịch bệnh bùng phát và họ đã hành động quá vội vã, quá sớm và quá ồn ào, do vậy đã xuất hiện lỗ hổng lớn giữa những gì họ muốn làm và những gì họ đạt được”, ông Shi cho biết.

Trung Quốc đã triển khai “đội quân” gồm các nhà ngoại giao trẻ với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Bắc Kinh. Họ được gọi là những “chiến lang”, đặt theo tên một bộ phim ăn khách của Trung Quốc, trong đó lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nước này đã thực hiện các chiến dịch trên toàn thế giới.

Chiến lược phản tác dụng?

Giáo sư Shi, người từng là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng nước này nên thay đổi hướng đi “càng sớm càng tốt”. Theo ông, Bắc Kinh nên duy trì cách tiếp cận đa dạng hơn để xử lý tốt hơn làn sóng chống Trung Quốc ngày càng gia tăng trong đội ngũ hoạch định chính sách ở Washington.

“Nếu cả truyền thông chính thống và không chính thống (của Trung Quốc) đều có giọng điệu hung hăng khi đưa tin về Mỹ, điều đó sẽ không mang lại hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức của dư luận”, ông Shi nói, đồng thời đề nghị Bắc Kinh nên chỉ đạo một số cơ quan truyền thông chính thống đưa tin với giọng điệu ôn hòa hơn.

Ông Shi cũng kêu gọi dừng tranh cãi về nguồn gốc của Covid-19 “vì điều này càng khiến cho trò chơi đổ lỗi giữa Mỹ và Trung Quốc thêm nghiêm trọng”. Theo ông Shi, việc tìm ra nguồn gốc của virus cần có thời gian.

Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn về việc phải mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Mỹ và một số nước yêu cầu Bắc Kinh phải minh bạch hơn, sau khi đặt ra giả thuyết rằng virus có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán - tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Virus gây đại dịch Covid-19 cho đến nay đã khiến gần 300.000 người thiệt mạng và hơn 4,2 triệu người bị nhiễm trên toàn thế giới.

Theo BBC, Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên), phát ngôn viên trẻ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, là gương mặt nổi bật trong nhóm “chiến lang” gồm các nhà ngoại giao cấp cao và các đại sứ Trung Quốc. Ông Zhao từng khiến dư luận dậy sóng khi đặt ra giả thuyết rằng Mỹ có thể đã mang virus corona tới Vũ Hán.

Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc trên toàn thế giới cũng đi theo cách tiếp cận của ông Zhao. Tại Paris, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye để yêu cầu giải thích về những bình luận của ông trên trang web của đại sứ quán, trong đó nói Pháp bỏ mặc người già chết vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cũng cảnh báo rằng, người Trung Quốc có thể tẩy chay hàng hóa Australia sau khi nước này kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của Covid-19. Ông Cheng cho biết giáo dục, du lịch, rượu, thịt bò của Australia sẽ là nhóm lĩnh vực bị tổn thương nhiều nhất.

Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng gây tranh cãi khi đăng tải bài viết gợi ý rằng Mỹ và thế giới “nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và cảm ơn” vì nỗ lực của nước này trong việc chiến đấu với đại dịch.

Tại một hội thảo trực tuyến khác do Đại học Nhân dân Bắc Kinh tổ chức hôm 10/5, Zhu Feng, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói rằng đội quân “chiến lang” đã khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh giữ bình tĩnh và điều chỉnh chính sách đối ngoại của nước này.

Yan Xuetong, một trong những học giả hàng đầu về đối ngoại và an ninh tại Trung Quốc, cũng chỉ trích việc các nhà ngoại giao Trung Quốc đi theo chủ nghĩa dân tộc. Mặc dù là tiếng nói diều hâu nổi tiếng về chính sách đối ngoại, song ông Yan cho rằng Trung Quốc cần hành động hợp lý hơn và cảnh báo tác động của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa lên việc hoạch định chính sách.

Thành Đạt

Theo SCMP, BBC