1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các "chiến binh" trên mặt trận ngoại giao Trung Quốc thời Covid-19

(Dân trí) - Thế hệ các nhà ngoại giao trẻ của Trung Quốc sẵn sàng đưa ra những tuyên bố cứng rắn để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

BBC nhận định, dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc theo đuổi chiến lược “giấu mình chờ thời”. Tuy nhiên, chiến lược này bây giờ không còn nữa.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đã triển khai “đội quân” gồm các nhà ngoại giao thế hệ trẻ với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Bắc Kinh.

Họ được gọi là những “chiến lang”, đặt theo tên một bộ phim ăn khách của Trung Quốc, trong đó lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nước này đã thực hiện các chiến dịch trên toàn thế giới.

Trong bài viết đăng trên tạp chí hồi năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng kêu gọi các nhà ngoại giao nước này nâng cao “tinh thần chiến đấu” và tăng cường “tiếng nói của Trung Quốc ở nước ngoài”. Một trong những nơi để các nhà ngoại giao Trung Quốc thể hiện “tinh thần chiến đấu” là mạng xã hội.

Gần đây, bài xã luận được đăng trên Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nhà nước của Trung Quốc, tuyên bố người dân nước này “không còn hài lòng với giọng điệu ngoại giao mềm mỏng”, đồng thời cho rằng phương Tây đang cảm thấy bị thách thức bởi ngoại giao “chiến lang” mới của Trung Quốc.

Nhà ngoại giao "chiến lang"

Các chiến binh trên mặt trận ngoại giao Trung Quốc thời Covid-19 - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lijian Zhao (Ảnh: Kyodo)

Theo BBC, nhà ngoại giao “chiến lang” nổi bật nhất của Trung Quốc là Lijian Zhao - người phát ngôn trẻ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Zhao cũng là người đã nêu ra giả thuyết rằng Mỹ có thể đã mang virus corona tới thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch Covid-19.

Với hơn 600.000 người theo dõi trên mạng xã hội Twitter, ông Zhao đã tận dụng lợi thế từ số lượng đông đảo này bằng cách liên tục đăng bài, chia sẻ bài và nhấn “thích” bất kỳ nội dung nào ủng hộ và đề cao Trung Quốc.

Đương nhiên đây là điều các nhà ngoại giao trên toàn thế giới vẫn thường làm vì công việc của họ là bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, ít nhà ngoại giao nước ngoài sử dụng ngôn từ cứng rắn như các nhà ngoại giao Trung Quốc.

Chẳng hạn, đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã mô tả lời kêu gọi đòi Trung Quốc phải bồi thường vì để Covid-19 lây lan là “lố bịch” và “vô nghĩa”. Hay Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan từng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “đầy phân biệt chủng tộc”.

Tại London (Anh), nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc là Ma Hui - quan chức cấp cao thứ 3 tại đại sứ quán Trung Quốc. Ông Ma từng đăng bài viết trên Twitter, chỉ trích gay gắt các nhà lãnh đạo Mỹ bằng những lời lẽ cứng rắn, thậm chí gọi họ là “ngốc nghếch”.

“Một số lãnh đạo Mỹ đã hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức để nói dối, cung cấp sai thông tin, đổ lỗi và bêu xấu người khác. Điều đó thật đáng xem thường, nhưng chúng ta cũng không nên hạ thấp tiêu chuẩn của mình”, ông Ma viết.

Bước chuyển đổi lớn

Cuộc nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu German Marshall Fund (GMF) cho thấy, số tài khoản Twitter chính thức của nhà nước Trung Quốc tăng 300% trong một năm qua, trong đó số bài viết tăng gấp 4 lần. Đây là sự thay đổi đáng kể của Trung Quốc.

“Điều này rất khác với những gì chúng tôi thường thấy từ Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc thường công khai thể hiện hình ảnh tích cực, thúc đẩy tình hữu nghị. Những video gấu trúc dễ thương thường phổ biến hơn những tuyên bố cứng rắn về các chính sách khác nhau của chính phủ. Đây thực sự là bước chuyển đổi lớn”, Kristine Berzina, nhà nghiên cứu cấp cao tại GMF, nhận định.

Theo BBC, đây rõ ràng là lựa chọn về chính sách của Trung Quốc. Thay vì ngoại giao “chiến lang”, Bắc Kinh có thể chọn tập trung vào ngoại giao “khẩu trang”, chẳng hạn quyên tặng hay bán các vật tư y tế trên toàn thế giới.

Cách tiếp cận ngoại giao “khẩu trang” có thể thúc đẩy sức mạnh mềm của Trung Quốc trong bối cảnh các nước đang vật lộn ứng phó với đại dịch. Tuy vậy, ý tưởng về “con đường tơ lụa y tế” dường như bị lấn át bởi ngoại giao “chiến lang”.

Các chiến binh trên mặt trận ngoại giao Trung Quốc thời Covid-19 - 2

Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye vướng tranh cãi với nước sở tại về cuộc điều tra Covid-19. (Ảnh: AAP)

Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye đang vướng vào một cuộc tranh cãi nảy lửa với chính quyền sở tại. Khi chính phủ Australia tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của Covid-19, ông Cheng ngụ ý rằng người Trung Quốc có thể tẩy chay hàng hóa Australia.

Các bộ trưởng Australia đã chỉ trích đại sứ Trung Quốc về hành vi “cưỡng ép kinh tế”. Các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia triệu tập Đại sứ Cheng để yêu cầu ông đưa ra lời giải thích. Nhà ngoại giao Trung Quốc đáp lại bằng cách đăng nội dung cuộc hội thoại với giới chức Australia lên trang web của đại sứ quán, trong đó ông kêu gọi Australia dừng “trò chơi chính trị”.

Trung Quốc tuần này đã áp lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất thịt bò của Australia, đồng thời đe dọa áp thuế với lúa mạch của Australia.

Tại Paris, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye để yêu cầu giải thích về những bình luận của ông trên trang web của đại sứ quán, trong đó nói Pháp bỏ mặc người già chết vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão.

Làn sóng công kích các nhà ngoại giao Trung Quốc có lẽ mạnh nhất ở châu Phi. Hàng loạt đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi, đã được chính quyền sở tại triệu tập trong những tuần gần đây để yêu cầu giải thích về những hành vi phân biệt đối xử với người châu Phi tại Trung Quốc.

Gây căng thẳng với các nước

Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho rằng Trung Quốc đang phải trả giá vì chiến lược mới của nước này.

“Bất kể thế hệ các nhà ngoại giao “chiến lang” mới của Trung Quốc báo cáo với Bắc Kinh như thế nào, thực tế cho thấy vị thế của Trung Quốc đang bị tổn hại nặng nề. Làn sóng chống Trung Quốc vì sự lây lan của virus đã xảy ra tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Iran. Sức mạnh mềm của Trung Quốc đang có nguy cơ bị đổ vỡ”, cựu Thủ tướng Australia nhận định.

Một nguy cơ có thể xảy ra là chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc có thể khiến phương Tây mất dần thiện cảm, các nước ngày càng không tin tưởng và sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh.

SCMP dẫn lời Pang Zhongying, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cảnh báo ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đang đi ngược lại với tinh thần của ngoại giao nói chung.

“Điều đó không giúp Trung Quốc thúc đẩy các lợi ích hay kết bạn trên toàn thế giới. Đây là đòn giáng lớn vào trật tự đa phương hiện thời cũng như hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc”, ông Pang nhận định.

Zhao Tong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Canergie - Thanh Hoa cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc "chắc hẳn phải biết rằng họ đang phá hủy hình ảnh quốc tế của Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia bên ngoài nào". 

Thành Đạt

Theo BBC, SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm