1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính sách đối ngoại Đông - Tây của Nga

(Dân trí) - Trong khi ông Putin chọn nước Pháp là điểm công du nước ngoài quan trọng đầu tiên trong vai trò người đứng đầu chính phủ thì Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lại chủ trương ưu tiên đẩy mạnh quan hệ với phương Đông.

Tân thủ tướng Nga Vladimir Putin cùng Giám đốc cơ quan hạt nhân Nga (Rosatom) Sergei Kirienko và nhiều quan chức Pháp đã có chuyến công du hai ngày tới Pháp, từ 29-30/5. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mở tiệc chiêu đãi ông Putin sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, Thủ tướng Francois Fillon, vào chiều ngày 29/5.

 

Phát ngôn viên Dmitri Peskov của ông Putin cho biết, sự lựa chọn nước Pháp làm điểm công du quan trọng đầu tiên đương nhiên liên quan đến việc Pháp sẽ trở thành chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/7 tới. Đáng chú ý là ba ngày trước khi diễn ra chuyến công du của Thủ tướng Nga, hôm 26/5, các nước thành viên EU đã nhất trí thông qua khôi phục cuộc thương lượng với Mátxcơva về một thoả thuận quan hệ đối tác và hợp tác EU-Nga, nhằm kết thúc hai năm khủng hoảng sau khi thoả thuận trước hết hiệu lực hồi tháng 12/2007.Các thương lượng xung quanh quan hệ đối tác kinh tế mới sẽ được khởi động vào cuối tháng 6 tới tại Hội nghị thượng đỉnh Khanty-Mansiik ở Siberia, trước khi Pháp trở thành chủ tịch luân phiên của EU.

 

Thông báo về chuyến công du quan trọng đầu tiên ở nước ngoài của ông Putin khiến nhiều người dân Nga phỏng đoán ông khó có thể trao toàn bộ quyền lực trong đối ngoại cho tân Tổng thống Dmitry Medvedev, người nhậm chức hôm 7/5. Nước Nga không có truyền thống chính trị một thủ tướng công du cấp nhà nước tới một quốc gia khác. Thủ tướng Nga còn có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George Bush bên lề Lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra từ ngày 8/8 tới, điều này cho thấy ông Putin có ảnh hưởng rất lớn trên mọi mặt trận chính trị, kể cả đối ngoại.

 

Chủ trương đa dạng hoá đối tác

 

Khác với người tiền nhiệm Vladimir Putin đã chọn các nước phương Tây là Belarus, Ukraina và Anh cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngay sau khi đắc cử tháng 3/2000, tân Tổng thống Dmitry Medvedev chủ trương ưu tiên quan hệ với khu vực phía đông. Ngày 22/5, ông đã công du tới Kazakhstan - nước Cộng hoà Trung Á giàu nhiên liệu, sau đó tới Trung Quốc trong ngày 23 và 24/5. Chuyến công du châu Á lần này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của một khu vực được Mátxcơva đánh giá như lựa chọn đối trọng với phương Tây. Chọn điểm đến là Trung Quốc trước chuyến thăm Đức sắp tới, ông Dmitry Medvedev muốn chứng tỏ nước Nga chủ trương đa dạng hoá đối tác.

 

Tại Bắc Kinh, ông Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đều lên tiếng bày tỏ lo ngại trước hệ thống tấm lá chắn chống tên lửa đạn đạo mà Washington sắp triển khai ở Đông Âu. Mátxcơva còn muốn Bắc Kinh lên án xu hướng mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng do đang cố gắng tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt năm 1989 liên quan đến buôn bán vũ khí nên Trung Quốc rất muốn duy trì quan hệ tối với Liên minh, điều này giải thích tại sao trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo không đề cập đến vấn đề mở rộng NATO.

 

Ông Medvedev đã thu được thành công lớn ở chuyến công du lần này với bản hợp đồng trị giá 1 tỷ USD cho dự án xây dựng một nhà máy làm giàu uranium tại Trung Quốc mà Mátxcơva là nhà cung cấp nhiên liệu. Trong khi đó, các dự án lớn liên quan đến việc Nga cung cấp dầu lửa và khí đốt cho Trung Quốc từng được thương lượng trong chuyến thăm của ông Putin tới Bắc kinh hồi tháng 3/2006 không được đem ra bàn thảo. Tiến độ xây dựng đường ống dẫn khí của Trung Quốc để vận chuyển dầu thô của Nga từ đông Siberia bị đình lại do bất đồng giữa hai bên trong vấn đề giá dầu.

 

Bên cạnh vấn đề nhiên liệu, Tổng thống Nga muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong lĩnh vực vũ khí vì những năm gần đây, Bắc Kinh giảm mạnh đơn đặt hàng mua vũ khí của Mátxcơva. Nga cũng không thực sự hài lòng về hợp tác kinh tế giữa hai nước, tuy vẫn phát triển tốt, năm 2007, trao đổi thương mại tăng 44% so với năm 2006, đạt 48 tỷ USD, nhưng chủ yếu là Trung Quốc xuất siêu sang Nga.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp