Chính quyền Biden gửi tín hiệu cứng rắn đầu tiên tới Trung Quốc
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dưới thời chính quyền Joe Biden đã nhanh chóng có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó ông gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc.
Thông điệp cứng rắn dù không nhắc tên
Truyền thông Mỹ và châu Á đưa tin, tân ông chủ Lầu Năm Góc Lloyd Austin đã kêu gọi các đồng minh chủ chốt ở châu Á hợp tác với Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược, trong bối cảnh sự đối đầu Mỹ - Trung chắc chắn sẽ leo thang.
Theo các thông báo cáo chí được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố trên trang web hồi cuối tuần qua, ông Austin đã có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 23/1, chỉ một ngày sau khi ông nhậm chức, trở thành bộ trưởng quốc phòng thứ 28 của Mỹ và là người da màu đầu tiên nắm giữ vị trí này.
Các thông cáo của Mỹ về 2 cuộc điện đàm không hề nhắc cụ thể tới Trung Quốc, nhưng cho biết Bộ trưởng Austin đã đề cập tới một loạt các vấn đề quốc phòng và an ninh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có các yêu sách chủ quyền phi lý. Mỹ coi các khu vực đó là vùng biển quốc tế, và các lực lượng hải quân và không quân nước này thường tiến hành các hoạt động tự do hàng hải tại đó.
Ông Austin không nêu tên Trung Quốc, nhưng cho biết Mỹ phản đối "bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Hoa Đông", và tái khẳng định với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi rằng quân đội Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Ông Austin cũng hối thúc ông Kishi "tăng cường sự đóng góp của Nhật Bản đối với vai trò mà liên minh 2 nước tiếp tục duy trì trong việc thúc đẩy an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", Lầu Năm Góc cho hay.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook, ông Austin nói rằng sự hợp tác thân thiết giữa hai đồng minh có ý nghĩa quan trọng và hai bên "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, và nhất trí thúc đẩy hợp tác đối với các mối đe dọa chung".
Hai cuộc điện đàm diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc Suh Hoon ngày 21/1, trong đó ông Sullivan cho biết liên minh Mỹ - Hàn là một trụ cột của hòa bình và an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các trao đổi trên diễn ra khi chính quyền Biden, đối phó với sự bành trướng về địa chính trị của Trung Quốc, đang tìm cách làm mới mạng lưới liên minh, vốn đã bị ảnh hưởng bởi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù ông Austin từng là cựu chỉ huy các nỗ lực quân sự của Mỹ tại Iraq và được tin là thiếu kinh nghiệm với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng ông đã cam kết tập trung về mặt chiến lược vào châu Á và Trung Quốc. Trong cuộc điều trần trước khi được phê chuẩn làm bộ trưởng quốc phòng hồi tuần trước, ông tuyên bố việc hàn gắn các liên minh và tập trung chiến lược vào Trung Quốc sẽ là ưu tiên trong trong nhiệm kỳ của ông.
Các máy bay quân sự Mỹ xuất hiện trên Biển Đông
Căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng ngay trong những ngày đầu tiên của chính quyền Biden. Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 23/1 cho biết một nhóm tác chiến do sàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông, nơi nhóm "tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải", trong đó có các hoạt động bay, các cuộc tập trận tác chiến hàng hải và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị trên mặt nước và trên không.
Theo Sáng kiến thăm dò Biển Đông, một tổ chức nghiên cứu tại Bắc Kinh, một máy bay trinh sát U-2S Dragon Lady của Không quân Mỹ đã rời căn cứ tại Hàn Quốc và tiến vào Biển Đông vào sáng nay, trong khi ít nhất 9 máy bay quân sự Mỹ - trong đó có 4 máy bay P-8A, 1 máy bay tuần tra P-3C, máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye, 1 chiếc CL-604 và 2 chiếc KC-135R Tanker được nhìn thấy xuất hiện trên Biển Đông sáng ngày 24/1.
"Có thể hiểu rằng do sự hiện diện của tàu sân bay Roosevelt ở Biển Đông, mọi hoạt động của máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục mạnh mẽ", tổ chức trên nhận định.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, người chưa vạch ra chính sách châu Á - Thái Bình Dương, trước đó bổ nhiệm một quan chức châu Á lâu năm, Ely Ratner, làm trợ lý đặc biệt cho Bộ Quốc phòng Mỹ về các vấn đề Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm này có thể đảm bảo một cách tiếp cận cạnh tranh với Trung Quốc.
Cũng trong ngày 22/1, Bộ trưởng Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Ben Wallace và hai bên đã trao đổi quan điểm về việc đối mặt với các vấn đề lợi ích song phương chiến lược, trong đó có việc đối phó với Covid-19, các lo ngại về một Trung Quốc đang mạnh lên, các mối đe dọa từ Nga…
Trong một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng, Anh đã nhất trí sẽ đưa nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth tham gia cùng Mỹ trong cuộc triển khai chung trong năm nay.
Mặc dù chi tiết cuộc triển khai chung trong năm nay chưa được công bố, nhưng giới chức quốc phòng Anh, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson, đã ám chỉ rằng tàu sân bay Queen Elizabeth - được biên chế năm 2017 và là tàu lớn nhất của hải quân Hoàng gia Anh - sẽ được triển khai tới các khu vực trong đó có châu Á và thậm chí là Biển Đông.
Vào năm 2019, cựu Bộ trưởng Williamson cho biết khu vực Biển Đông có thể là nơi Trung Quốc phát triển khả năng quân sự hiện đại và sức mạnh thương mại. Bắc Kinh đã nổi giận với các bình luận này và cảnh báo London không can thiệp vào khu vực, nói rằng Biển Đông "không nên trở thành chiến trường cho một cuộc cạnh tranh nước lớn, hoặc một vùng biển đầy những tàu chiến di chuyển".
Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong những năm gần đây để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực, đồng thời kêu gọi các đồng minh tham gia.
Và năm 2018, một tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Albion, đã áp sát quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, một động thái mà Bắc Kinh gọi là "hành động khiêu khích".