1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính quyền Biden cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không mua vũ khí Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Lầu Năm Góc tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga sau các đòn trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm.

Nga chuyển "Rồng lửa" S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp cảnh báo của Mỹ
Chính quyền Biden cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không mua vũ khí Nga - 1

Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: Sputnik)

"Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lại hệ thống S-400", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 5/2.

Ông Kirby nhắc lại lập trường của Mỹ rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga không tương thích với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ cũng như các hệ thống vũ khí khác của NATO.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO lâu đời và quan trọng, nhưng quyết định của họ khi mua hệ thống S-400 không đồng nhất với các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đồng minh NATO của Mỹ", ông Kirby nói thêm.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có "nhiều cơ hội trong suốt một thập niên qua để mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, thay vì lựa chọn mua S-400 - vốn mang lại cho Nga doanh thu, cơ hội tiếp cận và ảnh hưởng".

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận các tổ hợp phòng không S-400 mà nước này mua của Nga và sẵn sàng đưa các hệ thống này vào trực chiến. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đợt bắn thử đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà "không cần xin phép Washington".

Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 và không sử dụng tổ hợp này, thậm chí đề nghị "phá hủy" tổ hợp phòng không đã mua từ Nga. Washington thậm chí loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35, viện dẫn rủi ro an ninh S-400 có thể gây ra cho máy bay tối tân của Mỹ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thương vụ là sự đã rồi và kiên quyết theo đuổi đến cùng.

Đặc phái viên Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ David Michael Satterfield ngày 5/2 cho biết Washington vẫn chưa lên kế hoạch thành lập nhóm làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết những bất đồng giữa hai nước về việc mua các hệ thống S-400 của Nga.

Hồi tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẵn sàng mua lô S-400 thứ 2 của Nga với điều kiện chuyển giao công nghệ. Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng thương vụ này là "không thể chấp nhận được", đồng thời cảnh báo các biện pháp cứng rắn hơn sẽ được triển khai để ngăn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác quốc phòng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần khẳng định việc mua các hệ thống S-400 của Nga là vấn đề thuộc chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và nước này không cần Mỹ cho phép để mua các hệ thống vũ khí mới.

"Tôi không biết ông Biden sẽ nói gì, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không cần xin phép bất kỳ ai", Tổng thống Erdorgan nói trước lễ nhậm chức của Tổng thống Biden hôm 20/1.

Ông Erdorgan cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ S-400 đã cho thấy Washington không tôn trọng đồng minh quan trọng trong khối NATO.

Tháng 12/2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp lệnh trừng phạt với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cùng người đứng đầu cơ quan này.

"Rồng lửa" S-400 hiện được coi là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo.

Khoảnh khắc "rồng lửa" S-400 lên nòng, dội hỏa lực uy lực vào mục tiêu