Chính phủ Mỹ kiện chống độc quyền với "ông lớn" công nghệ Google
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nộp đơn kiện Google, động thái mà truyền thông nước này mô tả là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất chống lại một công ty công nghệ trong 20 năm qua.
Ngày 20/10, chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện Google liên quan tới vấn đề độc quyền. Theo cáo trạng, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google đã kìm hãm sự cạnh tranh để duy trì vị thế mạnh mẽ của họ trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo trên công cụ tìm kiếm.
Ngoài chính phủ Mỹ, 11 bang bao gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas cũng tham gia vào vụ kiến chống lại “ông lớn” công nghệ của Mỹ.
Theo truyền thông Mỹ, đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất chống lại một công ty công nghệ trong hơn 2 thập niên qua.
Cáo trạng cho rằng Google đã có hàng loạt hành động bị cáo buộc là làm tổn hại đến cạnh tranh và ngăn cản các đối thủ thu hút được tập khách hàng.
Chính phủ Mỹ cáo buộc Google trả hàng tỷ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất thiết bị như Apple, LG, Motorola, và Samsung, cũng như các trình duyệt web Mozilla và Opera để đặt Google là công cụ tìm kiếm mặc định trong sản phẩm của những hãng này. Trong một số trường hợp, Google bị cáo buộc đã cấm các hãng trên không làm ăn với đối thủ của Google.
Cáo trạng nói rằng các động thái trên đã giúp Google “nắm giữ hoặc kiểm soát các kênh tìm kiếm thông tin chiếm 80% tổng số yêu cầu tìm kiếm ở thị trường Mỹ”.
Google sau đó đã phản pháo cáo buộc từ Bộ Tư pháp Mỹ là “sai trái” và cho rằng “mọi người dùng Google vì họ lựa chọn như vậy, không phải vì họ bị ép buộc hay họ không tìm được sản phẩm thay thế”.
Một đại diện của Google cho rằng cáo buộc từ phía chính quyền “dựa vào những lập luận chống độc quyền đáng ngờ” và “không giúp ích gì được cho người tiêu dùng”.
Vụ kiện được tiến hành sau 1 năm Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra độc quyền với Google. Ngoài ra, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng Google và các “ông lớn” công nghệ khác tại Mỹ có thể đang tận hưởng “quyền lực độc quyền” và ngăn chặn sự cạnh tranh từ các đối thủ.