1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính phủ Iraq trước nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng chính trị

Iraq đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tình hình căng thẳng hiện nay có thể dẫn tới sự sụp đổ chính quyền của Thủ tướng Haider al-Abadi, khiến đất nước chìm sâu hơn trong bất ổn, với một tương lai bất định và gây khó khăn cho cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi vướng phải một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng không dễ tháo gỡ trong bối cảnh đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc do những căng thẳng sắc tộc, tôn giáo, một phần lãnh thổ vẫn nằm trong tay nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giá dầu đang ở mức thấp nhất dẫn tới cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi vướng phải một cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước này. (ảnh: Reuters TV).
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi vướng phải một cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước này. (ảnh: Reuters TV).

Từ nhiều tuần nay, Thủ tướng Haider al-Abadi, lên nắm quyền từ tháng 8/2014, đang nỗ lực thúc đẩy Quốc hội thông qua một chính phủ mới, với thành phần là các nhân vật kỹ trị có thể giúp ông thực hiện những cải cách chống tham nhũng được thông qua từ năm 2015 thay vì một chính phủ chịu sự chi phối sâu sắc của các đảng phái chính trị như hiện nay.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông liên tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đảng phái chính trị, nhất là tại một quốc gia mà tham nhũng tràn lan như Iraq. Đây cũng chính là lý do khiến Quốc hội Iraq mới chỉ thông qua một phần danh sách ứng cử viên cho nội các mới trong phiên bỏ phiếu được đánh giá là đầy sóng gió hồi đầu tuần trước và phiên bỏ phiếu dự kiến diễn ra hôm 30/4 đã bị hoãn lại.

Theo các nhà phân tích, Thủ tướng al-Abadi đang bị tấn công từ mọi phía, ngay cả trong chính đảng Hồi giáo dòng Shiite của mình. Ông bị mắc kẹt giữa hai thế lực ngầm trên chính trường của người Hồi giáo dòng Shiite, giữa một bên là người tiền nhiệm Nuri Al Maliki tới nay vẫn không chấp nhận từ bỏ quyền lực, luôn tìm cách chi phối liên minh cầm quyền với một bên là giáo sĩ Muqtada al-Sadr nhiều lần gây gây sức ép buộc Thủ tướng phải thông qua những đề xuất cải cách.

Nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng, Thủ tướng al-Abadi đang thực hiện một chính sách cải cách "không tưởng". Bởi không ai, không bất kỳ đảng phái chính trị nào có đủ khả năng thực hiện các chính sách cải cách nếu không được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng.

Ông Ihsan al- Shemari, một chuyên gia phân tích chính trị Iraq cho biết: “Hàng loạt cuộc biểu tình vừa qua tại Iraq, theo lời kêu gọi của giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, họ có thể gây ảnh hưởng tới quá trình quyết định chính trị mà không cần đến các lực lượng chính trị khác. Theo tôi, điều này nếu tiếp diễn sẽ làm cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq trở nên tồi tệ hơn. Các phần tử cực đoan có thể lợi dụng tình hình này để gia tăng hoạt động và phát động các cuộc tấn công nhằm vào dân thường”.

Tuy nhiên, một nghịch lý là dù bị “cô lập về mặt chính trị ở trong nước”, song ông al-Abadi lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, Saudi Arabia và các đồng minh khu vực và đây cũng là một trong những lý do khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq trở nên phức tạp hơn.

Trong bối cảnh Iraq đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, Mỹ lo ngại sự tê liệt hoàn toàn của chính quyền Thủ tướng al-Abadi có thể gây ảnh hưởng mạnh tới cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, một vấn đề mà theo họ còn quan trọng hơn cuộc chiến chống tham nhũng và những đấu đá nội bộ tại Iraq.

Minh chứng rõ nhất là việc Iraq đang phải chứng kiến làn sóng bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm nhiều khu vực ở miền Tây và miền Bắc nước này vào tháng 6/2014.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của Mỹ, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần trước đã có chuyến thăm bất ngờ tới Baghdad. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden tới Iraq kể từ khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này hồi cuối năm 2011./.

Theo Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin (Tổng hợp)