1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính khách thân Nga thắng cử ở Slovakia, Ukraine có bị "quay lưng"?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Trước khi thắng cử tại Slovakia, đảng của ông Robert Fico - chính trị gia có thái độ thân Nga công khai - đã tranh cử với lời hứa ngừng gửi vũ khí cho Ukraine và ngừng áp thêm trừng phạt với Nga.

Chính khách thân Nga thắng cử ở Slovakia, Ukraine có bị quay lưng? - 1

Lãnh đạo đảng SMER, ông Robert Fico, phát biểu sau khi có kết quả bầu cử quốc hội của Slovakia tại thủ đô Bratislava vào ngày 1/10 (Ảnh: Reuters).

Đảng SMER của ông Fico đã giành được gần 23% số phiếu trong cuộc bầu cử 1/10, mức cao nhất trong các chính đảng. Từ đó, đảng này được ưu tiên trao cơ hội thành lập chính phủ liên minh tiếp theo của Slovakia.

Các đảng có khả năng tham gia liên minh mới là đảng cánh tả Hlas (Tiếng nói) với 14,7% số phiếu bầu và đảng Quốc gia Slovakia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một nhóm cũng thân Nga, nhận được 5,6% số phiếu.

Đảng Cấp tiến Slovakia (PS) - một đảng mới theo chủ nghĩa tự do, thân phương Tây và là đối thủ chính của SMER - đã về nhì trong cuộc bầu cử với 18% số phiếu bầu. Lãnh đạo đảng này Michal Simecka, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, cho biết đảng của ông tôn trọng kết quả này.

"Nhưng đó là tin xấu cho Slovakia", ông nói. "Và sẽ còn tệ hơn nếu Robert Fico thành lập được chính phủ".

Nỗi lo về viện trợ vũ khí cho Ukraine

Chiến thắng của Robert Fico, người thể hiện lập trường thân Nga khi tranh cử, là một dấu hiệu nữa cho thấy sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang bị bào mòn, khi mà cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc và tiền tuyến gần như không thay đổi trong thời gian qua.

Ông Fico, 59 tuổi, cho biết Slovakia có những vấn đề khác lớn hơn Ukraine, bao gồm giá năng lượng và chi phí sinh hoạt, nhưng đảng của ông sẽ làm mọi cách để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Chính khách thân Nga thắng cử ở Slovakia, Ukraine có bị quay lưng? - 2

Kết quả bầu cử Quốc hội Slovakia (Đồ họa: Reuters).

Trong chiến dịch tranh cử, ông Fico cam kết sẽ ngừng hỗ trợ nước láng giềng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

"Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ việc tái thiết Ukraine nhưng các bạn biết quan điểm của chúng tôi về việc trang bị vũ khí cho nước này rồi đấy", ông nói thêm trong một cuộc họp báo.

Cho đến nay, Slovakia - quốc gia có 5,5 triệu dân - là một trong những nước ủng hộ nhiệt thành cho nước láng giềng Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu xung đột, Slovakia đã mở cửa biên giới cho những người tị nạn Ukraine và là trung tâm hậu cần quan trọng để NATO vận chuyển viện trợ quân sự tới Ukraine.

Slovakia cũng đã chuyển cho Ukraine hơn một nửa máy bay chiến đấu MiG trong kho của mình và hàng chục xe bộ binh. Đây là quốc gia EU đầu tiên hỗ trợ Kiev hệ thống tên lửa phòng không S-300.

"Sự hỗ trợ quân sự như thế sẽ chấm dứt sau kết quả của cuộc bầu cử", Wojciech Przybylski, nhà phân tích chính trị và người đứng đầu tổ chức tư vấn Visegrad Insight, cho biết.

"Và Ukraine cùng đồng minh phương Tây sẽ đặt câu hỏi về việc họ có thể chia sẻ bao nhiêu thông tin tình báo với Slovakia mà không có nguy cơ rò rỉ và gây nguy hiểm cho các tuyến đường vận chuyển", ông Przybylski nói.

Chính khách thân Nga thắng cử ở Slovakia, Ukraine có bị quay lưng? - 3

Pháo binh Ukraine bắn về phía quân Nga gần tiền tuyến ở vùng Donbas trong tháng 9 (Ảnh: New York Times).

Chủ yếu mang hệ quả chính trị

Theo Politico Europe, phương Tây không nên quá lo lắng về việc ông Fico tuyên bố ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Sở dĩ vậy là bởi Slovakia vốn đã trao cho Ukraine tất cả mọi thứ họ có thể nên dòng chảy viện trợ sẽ không giảm đáng kể. Và ngay cả khi chính phủ mới không cho phép vũ khí từ phương Tây được trung chuyển qua lãnh thổ Slovakia, điều này cũng sẽ chỉ là sự bất tiện về hậu cần.

Hơn nữa, do đảng SMER không nắm thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội nên sẽ cần tới sự hợp tác của các đảng khác trong quá trình cầm quyền. Trong khi đó, một đảng liên minh tiềm năng của SMER là Hlas có lập trường ủng hộ EU trong vấn đề Ukraine. Lãnh đạo Hlas cũng từng nói việc cung cấp đạn dược cho Kiev sẽ có lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Slovakia.

Trong quá khứ, ông Fico đã chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo thực tế nên giới phân tích cho rằng ông có thể sẽ tiết chế các phát biểu sau này, cũng như sẽ hạn chế thay đổi đột ngột chính sách đối ngoại, đặc biệt là nếu liên minh với Hlas.

Chính khách thân Nga thắng cử ở Slovakia, Ukraine có bị quay lưng? - 4

Hlas (có nghĩa là "Tiếng nói"), đảng của cựu Thủ tướng Peter Pellegrini, có thể là đảng quyết định liệu ông Fico có lập được chính phủ liên minh hay không (Ảnh: AP).

Ông Fico cũng hứa hẹn với cử tri sẽ xốc dậy nền kinh tế và tăng chi tiêu xã hội. Để làm được điều đó, ông sẽ cần sự giúp đỡ từ EU, bao gồm khoản 6 tỷ euro mà Brussels dự kiến dành cho Slovakia. Bất cứ chính phủ Slovakia nào cũng sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi đối đầu với Brussels về các vấn đề khác.

Dù vậy, kết quả bầu cử tại Slovakia vẫn có thể tạo ra tác động đối với xung đột Ukraine. Nó có thể khiến những lời kêu gọi dừng hoặc giảm hỗ trợ cho Kiev dần chiếm ưu thế trong các diễn ngôn chính trị tại châu Âu, trong khi chúng từ trước thường bị gạt sang một bên.

Ngay từ bây giờ, cuộc phản công chậm chạp của Ukraine đã giúp khuếch đại những tiếng nói ở Pháp và các nước lớn khác tại châu Âu phản đối việc cam kết trang bị vũ khí cho Ukraine một cách không giới hạn.

Nếu ông Fico thành công lập chính phủ, đây cũng sẽ là một tín hiệu nữa cho thấy Trung Âu đang rời xa chủ nghĩa tự do chính trị. Xu hướng này sẽ được củng cố nếu đảng Luật pháp và Công lý bảo thủ cầm quyền (PiS) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Ba Lan vào cuối tháng này.

Theo CNN, New York Times, Reuters