1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine gửi thông điệp cứng rắn tới phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Ukraine phàn nàn rằng phương Tây hiện không có một bức tranh rõ ràng về việc xung đột Ukraine sẽ kết thúc như thế nào.

Ukraine gửi thông điệp cứng rắn tới phương Tây - 1

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 29/9, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov nói rằng Mỹ và các đồng minh nhiều lần tuyên bố sẽ sát cánh cùng Kiev "đến chừng nào cần thiết".

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan an ninh Ukraine cho biết, các nước phương Tây ủng hộ Kiev chưa bao giờ xác định việc sát cánh đó sẽ diễn ra cho đến khi Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.

"Không ai có thể trả lời rõ ràng chiến thắng của chúng tôi có ý nghĩa gì. Họ nói với chúng tôi: Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn cho đến khi… và tôi chưa bao giờ nghe họ nói từ "chiến thắng". Họ chỉ nói, "cho đến khi các bạn chọn tự đưa ra quyết định"", ông Danilov nói.

Theo ông Danilov, Kiev cần biết liệu phương Tây có sát cánh cùng Ukraine cho đến khi nước này chiến thắng trong cuộc xung đột không, hay sự ủng hộ của họ sẽ dừng lại sau khoảng thời gian nhất định.

Bình luận của người đứng đầu cơ quan an ninh được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko thừa nhận, số quốc gia sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Kiev "ngày càng ít đi" và "có rất nhiều câu hỏi về việc liệu người nộp thuế ở các quốc gia đó sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho chúng tôi bao nhiêu".

Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuần này tuyên bố, Lầu Năm Góc chỉ có thể hỗ trợ Kiev trong "vài tuần" nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật viện trợ mới.

Phát biểu của ông Kirby được đưa ra sau khi một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa phản đối yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về việc cấp thêm 24 tỷ USD cho Ukraine và đe dọa đóng cửa chính phủ trừ khi quỹ dành cho Kiev bị loại khỏi dự luật viện trợ mới nhất của chính phủ.

Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ đã tìm cách phê duyệt khoản viện trợ mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine hôm 28/9, dù hơn một nửa thành viên đảng Cộng hòa phản đối động thái này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 20/9 bất ngờ tuyên bố nước này sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine để tập trung trang bị cho quân đội của mình. Cho đến gần đây, Ba Lan vẫn là một trong những đồng minh ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí như xe tăng T-72, Leopard, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, lựu pháo, đạn dược.

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Economist rằng ông "cảm nhận" được sự ủng hộ ngày càng giảm từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Ông cảnh báo việc các nước không ủng hộ Ukraine đồng nghĩa với việc đứng về phía Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cảnh báo các chính phủ phương Tây rằng họ có thể thua trong cuộc bầu cử và gặp rắc rối từ những người tị nạn Ukraine nếu không tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Bất cứ gián đoạn nào trong hoạt động viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ gây bất lợi cho Kiev ở thời điểm quân đội nước này đang nỗ lực phản công.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất. 

Theo RT