1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Ukraine cảnh báo hệ quả nếu phương Tây gián đoạn viện trợ

Thành Đạt

(Dân trí) - Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ cho biết Tổng thống Ukraine đã nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ đối với cuộc chiến chống lại Nga.

Tổng thống Ukraine cảnh báo hệ quả nếu phương Tây gián đoạn viện trợ - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).

"Chỉ có một câu tóm tắt tất cả và tôi đang trích dẫn nguyên văn câu của ông ấy. Ông Zelensky nói: "Nếu chúng tôi không nhận được viện trợ, chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến"", Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nói với các phóng viên sau cuộc gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Đồi Capitol hôm 21/9.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất chi thêm 24 tỷ USD cho Ukraine, nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Một nhóm gồm hơn 20 thượng nghị sĩ và đại diện của đảng Cộng hòa đã gửi thư tới Nhà Trắng, bày tỏ lo ngại về việc phân bổ kinh phí và yêu cầu làm rõ về tiến trình phản công của Ukraine.

"Người dân Mỹ xứng đáng được biết tiền của họ đã chi vào đâu. Cuộc phản công diễn ra như thế nào?", bức thư nêu rõ.

"Ukraine hiện có tiến gần hơn với chiến thắng so với 6 tháng trước không? Chiến lược của chúng ta là gì và kế hoạch của tổng thống là gì? Chính quyền định nghĩa chiến thắng ở Ukraine là gì?", nội dung bức thư cho biết.

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Thượng nghị sĩ Josh Hawley nói rằng Mỹ không nên liên tục đổ tiền vào Ukraine, đặc biệt là khi Kiev "không có gì để chứng minh" về hiệu quả khi sử dụng những khoản tiền này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 20/9 bất ngờ tuyên bố nước này sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine để tập trung trang bị cho quân đội của mình. Cho đến gần đây, Ba Lan vẫn là một trong những đồng minh ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí như xe tăng T-72, Leopard, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, lựu pháo, đạn dược.

Theo các chuyên gia, động thái của Ba Lan khá đột ngột, nhưng vẫn có thể dự đoán được bởi những căng thẳng gần đây giữa hai nước liên quan đến vấn đề xuất khẩu ngũ cốc. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự rạn nứt giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây trong bối cảnh cuộc phản công của Kiev đang ở giai đoạn quan trọng.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Chris Sherwood ngày 19/9 cho biết, trong trường hợp chính phủ Mỹ phải đóng cửa do không đạt được thỏa thuận về ngân sách, Lầu Năm Góc vẫn có thể tiếp cận các trang thiết bị trong kho dự trữ do vẫn còn hàng tỷ USD ngân sách viện trợ theo Quyền Điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA).

Tuy nhiên, việc vận chuyển trang thiết bị cũng như chương trình huấn luyện quân sự của Mỹ dành cho quân đội Ukraine "có thể bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm nhân sự và việc Bộ Quốc phòng đình chỉ tất cả các hoạt động bị coi là không cần thiết đối với an ninh quốc gia trong trường hợp chính phủ ngừng hoạt động".

Bất cứ gián đoạn nào trong hoạt động viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ gây bất lợi cho Kiev ở thời điểm quân đội nước này đang nỗ lực phản công.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhận định, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine và hỗ trợ quân sự cho Ukraine là "con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình". Ông cảnh báo Nga sẽ không đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường.

Theo The Hill