Chiến thuật giúp Nga tập kích "át chủ bài" phòng không của Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, hoàn toàn có khả năng hệ thống phòng không Patriot của Ukraine bị tấn công, sau khi Nga tuyên bố đã phá hủy tổ hợp này bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/5 tuyên bố, nước này đã phá hủy tổ hợp Patriot bằng tên lửa Kinzhal. Truyền thông Mỹ sau đó dẫn nguồn tin nói rằng, lá chắn phòng không hiện đại do Washington viện trợ cho Kiev dường như đã bị hư hại và Mỹ vẫn đang đánh giá mức độ tổn thất với khí tài này.
Theo chuyên gia Tyler Rogoway, tổng biên tập chuyên trang quân sự The War Zone, việc Patriot bị vũ khí đối phương tấn công hay phá hủy không phải là một diễn biến gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Theo ông, ngay từ khi Mỹ nói về việc sẽ chuyển "át chủ bài" Patriot cho Ukraine, hệ thống này đã trở thành mục tiêu hàng đầu của Nga và Moscow sẵn sàng triển khai vũ khí thông thường uy lực nhất của họ để tấn công. Việc Nga lựa chọn Kinzhal là điều không mấy bất ngờ vì nó có khả năng vượt qua các lá chắn phòng không đối phương để tấn công chính xác mục tiêu.
Theo ông Rogoway, hệ thống radar tinh vi và hiện đại của Patriot có thể tạo ra một dấu vết điện từ khổng lồ và Nga không khó để phát hiện ra tổ hợp này bằng cách dùng chiến thuật.
Mặt khác, tổ hợp Patriot không quá cơ động và phải mất thời gian để di chuyển chúng từ vị trí này sang vị trí khác. Kết hợp với việc Nga sử dụng mạng lưới trinh sát và tình báo dày đặc, nổi bật với hệ thống hình ảnh vệ tinh, nên Moscow có khả năng định vị ra Patriot trong thời gian thực, theo ông Rogoway.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, để Patriot nhanh chóng lộ diện, Nga đã dùng chiến thuật mồi nhử. Họ sẽ nhằm vào bộ phận có giá trị nhất là radar của Patriot, vì đây được xem là "bộ não" của tổ hợp. Nga đã phóng đi hàng loạt các mục tiêu khác nhau bao gồm UAV tự sát, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tấn công phối hợp và đồng loạt để khiến phòng không Ukraine quá tải. Đó là thời điểm mà radar của Patriot có thể bị lộ vị trí.
Về mặt lý thuyết, một khẩu đội Patriot được tạo thành từ nhiều thành phần có thể trải rộng trên một diện tích khá rộng. Nếu Nga chỉ phóng ra một đầu đạn duy nhất, thì việc phá hủy cả khẩu đội là bất khả thi. Vì vậy, Nga đã phóng ra lượng lớn tên lửa, UAV đồng loạt để truy dò hệ thống phòng không đối phương.
Theo ông Rogoway, có một thực tế rất rõ ràng là các tổ hợp phòng không không phải là không thể xuyên thủng. Kể cả với những tổ hợp uy lực như Patriot, đã từng có vụ việc mà lá chắn này bị quá tải hoặc bị qua mặt.
Năm 2017, nhóm phiến quân Houthi đã dùng các UAV tự sát cỡ nhỏ Qasef tập kích 2 nhà máy của tập đoàn dầu khí Ả rập Xê út Aramco. Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ả rập Xê út dường như đang triển khai hàng chục hệ thống Patriot trong quân đội nước này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các lá chắn này đều không ngăn được hàng chục UAV và tên lửa dẫn đường tấn công vào Aramco, nguồn tin nói.
Theo chuyên gia Rogoway, chỉ một hệ thống phòng không đơn lẻ, dù có mạnh tới đâu, cũng khó ngăn chặn hiệu quả lượng lớn vũ khí tấn công. Đó là lý do của việc cần phải có trận địa phòng không, nơi các tổ hợp tên lửa sẽ thực hiện hoạt động bọc lót cho nhau và ngăn mục tiêu tùy vào tính năng. Ví dụ, NASAMS hoặc súng trường có thể đánh chặn các UAV tự sát bay tầm thấp, để giảm gánh nặng cho Patriot.
Vì vậy, ông Rogoway cho rằng, trong thời gian tới, thông tin Nga tiếp tục tấn công Patriot sẽ không phải là điều ngạc nhiên vì Moscow vẫn xem đây là mục tiêu hàng đầu và họ sẽ tiếp tục áp dụng các chiến thuật để buộc lá chắn này lộ diện.
Mặt khác, theo chuyên gia trên, vụ việc ngày hôm qua được xem là phép thử cho Patriot trong thực chiến. Theo truyền thông địa phương, dường như 32 tên lửa đánh chặn đã được Patriot phóng ra và chúng đã đánh trúng hầu hết các mục tiêu. Đây có thể là cơ hội để Ukraine thu thập thông tin về các loại vũ khí Nga sử dụng và những dữ liệu này có thể sẽ được mang đi phân tích nhằm đảm bảo trong những lần Moscow tập kích sau đó, Kiev sẽ có biện pháp đối phó hiệu quả hơn với từng loại khí tài.