1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật đặc biệt của Hàn Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19

(Dân trí) - Nhằm đối phó với dịch Covid-19, Hàn Quốc đã sử dụng phương pháp đặc biệt, trong đó tập trung vào việc thực hiện hàng chục nghìn xét nghiệm mỗi ngày và truy vết mầm bệnh dựa vào công nghệ hiện đại.

Chiến thuật đặc biệt của Hàn Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Một công nhân xịt khử trung ở ga tàu Daegu, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Tại Italia, hàng triệu người bị cách ly và hơn 1.000 người đã thiệt mạng vì virus corona mới (SARS-CoV-2). Tại Hàn Quốc, quốc gia có quy mô dân số tương đương, chỉ có vài nghìn người bị cách ly và 67 trường hợp qua đời vì Covid-19.

Trong bối cảnh mầm bệnh đã lây lan ra toàn cầu, cách ứng phó với dịch bệnh khác nhau của Hàn Quốc và Italy cho thấy đặc thù vấn đề mà mỗi nước phải đối diện nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19. 

Cả Italy và Hàn Quốc đều phát hiện ca Covid-19 đầu tiên hồi cuối tháng 1. Hàn Quốc hiện đã có 8.000 các xác nhận nhiễm sau khi xét nghiệm 222.000 người. Italy có 15.000 ca nhiễm bệnh sau khi thực hiện 73.000 xét nghiệm trên số lượng người chưa được công bố.

Các nhà truyền nhiễm học nhấn mạnh rằng không thể so sánh các chỉ số giữa 2 quốc gia trên với nhau vì mỗi nước có đặc thù riêng… Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng việc xét nghiệm số lượng lớn, quyết liệt và nhanh chóng ở Hàn Quốc được xem là 1 cách thức hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chuyên gia Jeremy Konyndyk từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, Mỹ cho biết việc xét nghiệm số lượng lớn có thể giúp các quốc gia có bức tranh rõ nét hơn về sự lây lan của bệnh dịch. Trong khi đó, khi hoạt động xét nghiệm ở một quốc gia bị hạn chế, chính quyền dường như sẽ có xu hướng ban hành các mệnh lệnh cứng rắn để giảm thiểu việc di chuyển của người dân.

Hàn Quốc có dân số ít hơn Italia vài triệu người. Hàn Quốc có 29.000 người đang tự cách ly, và đã phong tỏa một số cơ sở, tòa nhà, nhưng chưa phong tỏa bất cứ một khu vực lớn nào.

Giới chức Seoul cho biết họ đã rút ra bài học từ việc phản ứng với dịch hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) năm 2015. Mục tiêu của Hàn Quốc là cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Họ thực hiện việc xét nghiệm số lượng lớn với những người có triệu chứng nhẹ, thậm chí là không có triệu chứng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng thông qua luật cho phép chính phủ sử dụng hệ thống dữ liệu lớn bao gồm dữ liệu camera an ninh, dữ liệu định vị GPS từ điện thoại và xe hơi, giao dịch thẻ tín dụng, thông tin nhập cảnh và một số thông tin cá nhân từ những bệnh nhân bị mắc Covid-19. Chính quyền sau đó công bố một số thông tin cần thiết để người dân nào có khả năng cao bị phơi nhiễm có thể đi xét nghiệm.

Ngoài ra, để hỗ trợ việc xét nghiệm hiệu quả, hệ thống dữ liệu của Hàn Quốc cũng giúp các bệnh viện theo dõi kỹ càng người nhiễm bệnh. Những người dương tính với virus corona mới sẽ được yêu cầu tự cách ly trước và được giám sát thông qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc các cuộc gọi điện thoại cho tới khi họ có giường trong bệnh viện để trị bệnh.

Khi họ đã được phân giường, xe cứu thương sẽ tới và đón bệnh nhân tới nhập viện. Toàn bộ quá trình từ xét nghiệm đến nhập viện đều miễn phí.

Chính phủ Hàn Quốc dựa vào kinh nghiệm trong việc chống bệnh dịch trước đây, không ủng hộ việc phong tỏa hoàn toàn các khu vực bị ảnh hưởng dù phương pháp này có hiệu quả trong việc giảm thiểu hoạt động đi lại của người dân và dẫn tới giảm rủi ro của việc lây lan mầm bệnh.

Ứng dụng công nghệ hiện đại

Hệ thống xét nghiệm Covid-19 trên xe ô tô của Hàn Quốc

Hàn Quốc phát hiện ra ca nhiễm Covid-19 đầu tiên khá sớm, song mầm bệnh bùng phát sau khi họ phát hiện ra ca thứ 31 hôm 18/2. Nữ bệnh nhân 61 tuổi có liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu bị xem là “trường hợp siêu lây nhiễm”. Giáo phái trên cũng bị coi là nguyên nhân dẫn tới 61% số ca Covid-19 tại Hàn Quốc.

Sau khi tình hình lây lan trở nên phức tạp, Hàn Quốc đã mở khoảng 50 cơ sở xét nghiệm ngay trên xe ô tô trên khắp cả nước. Trong các bãi đỗ xe, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tới từng chiếc xe hơi đo nhiệt độ, nhịp thở và lấy mẫu thử nếu cần thiết. Quy trình này kéo dài trong 10 phút.

Nhờ các cơ sở đặc biệt này mà Hàn Quốc đã xét nghiệm khoảng 12.000 ca mỗi ngày, trong khi về lý thuyết họ có thể thực hiện tối đa 20.000 xét nghiệm/ngày.

Chính phủ trả chi phí xét nghiệm cho người có triệu chứng nếu được bác sĩ chỉ định. Ngược lại, những người muốn được xét nghiệm phải trả 140 USD.

Thêm vào đó, Hàn Quốc triển khai khoảng 130 nhân viên cách ly tập trung vào việc theo dõi và truy vết các bệnh nhân. Họ sẽ theo sát đường đi nước bước của những người đã mắc Covid-19. Họ sử dụng dữ liệu từ điện thoại, ứng dụng, định vị, hộp đen xe hơi với mục tiêu tìm ra tất cả những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc để xét nghiệm những người này.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sử dụng dữ liệu định vị để gửi tin nhắn hàng loạt tới những người đang di chuyển tới gần nơi ghi nhận ca nhiễm để họ có thể đề phòng bị lây bệnh.

Hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Hàn Quốc đã có xu hướng giảm so với chỉ số tuần trước.

Tuy nhiên, cách làm của Hàn Quốc cũng làm phát sinh tranh cãi trái chiều liên quan tới quyền riêng tư thông tin của người dân. Một số chuyên gia cho rằng việc công bố thông tin cá nhân của những người mắc bệnh có thể có thể gây ra phản ứng không đồng thuận. Chuyên gia Choi Jaewook của đại học Hàn Quốc cho rằng các thông tin được công bố nên hạn chế và chỉ nên liên quan tới hành trình của bệnh nhân, không nên có thông tin về “giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp”.

 

Đức Hoàng

Theo Reuters