1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật 50 năm tuổi giúp thiết giáp Stryker Ukraine né tên lửa Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Binh sĩ Ukraine sử dụng chiến thuật có từ những năm 1973 để điều khiển thiết giáp Stryker né tránh hiệu quả tên lửa chống tăng Nga.

Chiến thuật 50 năm tuổi giúp thiết giáp Stryker Ukraine né tên lửa Nga - 1

Xe chiến đấu bọc thép Stryker (Ảnh: EurAsian Times).

Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Ai Cập đã sử dụng tên lửa chống tăng Sagger do Liên Xô sản xuất đã phá hủy số lượng lớn xe tăng của Israel, vào khoảng vài trăm chiếc.

Theo Forbes, Lục quân Mỹ khi đó đã nghĩ ra 1 chiến thuật để đối phó với tên lửa Sagger. Sau 50 năm, tại chiến trường Ukraine, Kiev cũng đang áp dụng chiến thuật này để đối phó các tên lửa chống tăng uy lực của Nga.

Forbes cho hay, các đơn vị Ukraine điều khiển thiết giáp Stryker do Mỹ sản xuất trong những tháng qua đã nhiều lần né tránh thành công tên lửa chống tăng Nga và điều này có lý do.

Chiến thuật né tránh tên lửa Sagger 50 năm trước, hoạt động hiệu quả nhất trên loại phương tiện có khả năng xoay trở nhanh, cơ động với hệ thống quang học toàn diện. Thiết giáp Stryker nặng 18 tấn đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn kể trên.

Chiến thuật né tên lửa chống tăng được Mỹ đưa vào tài liệu hướng dẫn chiến đấu thực địa. Theo đó, để thoát khỏi vụ tấn công bằng tên lửa Sagger, các quân nhân được khuyến cáo là điều khiển thiết giáp di chuyển bất quy tắc và trên một lộ trình ngoằn ngòeo, rồi ẩn nấp càng nhanh càng tốt.

Mục tiêu là để thiết giáp và xe tăng di chuyển nhanh và ngẫu nhiên hơn mức mà người điều khiển tên lửa Sagger có thể phản ứng để có thể né vũ khí này.

Sagger là tên lửa dẫn đường bằng dây, có thể được bắn ra từ ống phóng vác vai, xe có dàn phóng (BMP-1). Người điều khiển sẽ kiểm soát tên lửa bằng một tay cầm để điều chỉnh hướng bay vũ khí khiến nó lao vào mục tiêu.

50 năm sau, Nga đã loại biên Sagger và dùng tên lửa chống tăng hiện đại hơn như Konkurs và Kornet. Chúng có tầm bắn xa hơn Sagger và có tính năng dẫn đường bằng laser.

Tuy nhiên, chiến thuật của Mỹ vẫn hiệu quả, đặc biệt là khi áp dụng trên thiết giáp cơ động như Stryker. Nhờ động cơ diesel 350 mã lực, chiếc xe bọc thép này có thể tăng tốc lên hơn 96km/h trên địa hình bằng phẳng.

Một tài xế điều khiển Stryker giải thích về cách né tên lửa của họ cho Forbes, dựa trên chiến thuật 50 năm trước.

Bước đầu tiên, nhóm điều khiển sẽ quét hệ thống quang học hồng ngoại của Stryker để phát hiện liệu có tia chớp trắng nào hay không. Đây có thể là dấu hiệu của một vụ phóng tên lửa từ cách xa vài km.

Người lái xe cho biết: "Khi chúng tôi bị tên lửa chống tăng nhắm tới, các cảm biến sẽ cung cấp thông tin. Tôi đã có thể đưa ra quyết định giảm tốc độ hoặc tăng tốc (để tìm cách né tránh)".

Sau đó, lái xe đột ngột thay đổi lộ trình, di chuyển theo hình zic-zắc, tìm cách ẩn nấp thật nhanh. Đây là cách nhằm đánh lừa hệ thống dẫn đường có trên tên lửa Nga.

Theo Forbes, các số liệu đã chứng minh chiến thuật này có hiệu quả. Lực lượng tấn công đường không của Ukraine đã nhận được gần 200 chiếc Stryker từ Mỹ.

Dù Ukraine đưa các thiết giáp này lên trên đầu đội hình tấn công khi phản công Nga, nhưng tới nay hình ảnh từ hiện trường cho thấy Kiev dường như mới chỉ mất 3 chiếc.

Theo Forbes, có nhiều lý do để Stryker có tỷ lệ sống sót cao hơn các xe tăng và xe bọc thép khác và chiến thuật 50 năm của Mỹ có thể là một trong những nguyên nhân chính giúp thiết giáp né tên lửa Nga hiệu quả hơn.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine