1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự Ukraine thúc đẩy cuộc cách mạng UAV sử dụng công nghệ AI

Thanh Thành

(Dân trí) - Sự ra đời của máy bay không người lái hỗ trợ AI mang lại nhiều hứa hẹn cho quân đội Ukraine nhưng cũng có thể bị lợi dụng cho mục đích khác.

Chiến sự Ukraine thúc đẩy cuộc cách mạng UAV sử dụng công nghệ AI - 1

Bên trong nhà sản xuất UAV Warbirds của Ukraine ở Kiev (Ảnh: Washington Post).

Tại bãi thử mở ở vùng nông thôn Ukraine, một máy bay không người lái (UAV) được trang bị bom đã mất kết nối với người điều khiển sau khi bị thiết bị gây nhiễu điện tử tấn công. Tuy nhiên, thay vì đâm xuống đất, UAV này đã tăng tốc về phía mục tiêu và phá hủy nó.

Nó đã tránh được số phận của hàng nghìn chiếc UAV khác trong cuộc chiến này bằng cách dựa vào phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) mới, theo đó giúp ổn định chiếc UAV đó và khóa mục tiêu đã chọn trước.

Khả năng AI giúp UAV hoàn thành nhiệm vụ ngay cả khi mục tiêu di chuyển cho thấy một bản nâng cấp đáng kể so với các UAV hiện có theo dõi theo tọa độ cụ thể.

Công nghệ AI như vậy, đang được nhiều công ty chuyên sản xuất UAV của Ukraine áp dụng, đánh dấu một trong những bước nhảy vọt sáng tạo trong thị trường UAV nội địa của Kiev, giúp đẩy nhanh và tăng cao năng lực sát thương của chiến tranh không người lái. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với quân đội Ukraine, vốn đang chiến đấu với một đội quân mạnh hơn và được trang bị tốt hơn là Nga.

Những cải tiến về tốc độ, phạm vi bay, tải trọng và các khả năng khác đang có tác động ngay lập tức trên chiến trường, cho phép Ukraine phá hủy các phương tiện của Nga, cho nổ tung các chốt giám sát và thậm chí phá hủy các bộ phận của Cầu Crimea trong một chiến dịch liên quan đến UAV chở đầy chất nổ vào tuần trước.

Những đổi mới về thiết kế và phần mềm, cũng như việc phổ biến rộng rãi bí quyết điều khiển thử, cũng có khả năng ảnh hưởng đến cách sử dụng UAV trong cuộc chiến ở Ukraine, với những tác động nghiêm trọng đối với Kiev.

Samuel Bendett, chuyên gia về UAV tại Washington, cho biết: "Với hàng chục nghìn người đã trải qua khóa huấn luyện UAV ở cả hai bên trong cuộc chiến này, rất có khả năng kinh nghiệm sử dụng chúng đang lan rộng". 

Ukraine, nổi tiếng với nền nông nghiệp và các công nghiệp nặng khác, không có ưu thế về sản xuất UAV. Tuy nhiên, những yêu cầu khẩn cấp của chiến tranh đã biến đất nước này thành siêu phòng thí nghiệm phát minh, thu hút đầu tư từ những doanh nhân nổi tiếng, trong đó có cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt.

Hơn 200 công ty Ukraine tham gia sản xuất UAV đang hợp tác chặt chẽ với các đơn vị quân đội ở tiền tuyến để điều chỉnh và tăng cường năng lực của họ, trong đó nhắm mục tiêu cải thiện khả năng tiêu diệt và do thám kẻ thù.

"Đây là cuộc chạy đua công nghệ 24/7. Thách thức là mọi sản phẩm trong mọi danh mục phải được thay đổi hàng ngày để đạt được lợi thế", Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở thủ đô Kiev. 

Fedorov, 32 tuổi, phụ trách chương trình "Đội quân UAV" của Ukraine cho rằng, nỗ lực nhằm tối đa hóa việc sử dụng UAV do thám và tấn công của Kiev nhằm bù đắp lợi thế lớn khi đối phó sức mạnh không quân và pháo binh của Nga.

Chương trình đã hỗ trợ các công ty tư nhân đào tạo hơn 10.000 người điều khiển UAV trong năm qua, với mục tiêu đào tạo thêm 10.000 người trong  6 tháng tới.

Lực lượng không quân của Nga ước tính lớn gấp 10 lần so với Ukraine, nhưng Kiev đã cố gắng kiểm soát được bầu trời sau khi bắn hạ một số máy bay chiến đấu của Moscow trong những ngày đầu của cuộc xung đột. UAV đã cho phép Ukraine giám sát và tấn công các mục tiêu nhạy cảm ở xa phía sau chiến tuyến của Nga đồng thời cải thiện độ chính xác của pháo thông thường.

Tuy nhiên, UAV có hỏa lực kém hơn nhiều so với máy bay chiến đấu, đó là lý do Kiev đã kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây gửi F-16 và các vũ khí chiến đấu đắt tiền khác như hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS (viết tắt của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân). Trong khi đó, phát triển ngành công nghiệp UAV trong nước là ưu tiên hàng đầu.

Ông Dmytro Kovalchuk, người đồng sáng lập của hãng sản xuất UAV Warbirds của Ukraine, cho biết nhóm của Fedorov đã nhanh chóng theo dõi các hợp đồng mua sắm UAV giữa các công ty và Bộ Quốc phòng, rút ngắn quy trình "từ 2 năm xuống còn 2 tháng". 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine đã chia sẻ công nghệ gây nhiễu của Nga với các công ty UAV, cho phép họ thử nghiệm sản phẩm của mình chống lại một số vũ khí chiến tranh điện tử tinh vi nhất thế giới - một đặc quyền mà đại đa số các công ty UAV quốc tế không có.

"Ở phương Tây, bạn không thể kích hoạt thiết bị gây nhiễu và can thiệp vào phần lớn quang phổ chỉ để kiểm tra sản phẩm của mình. Bạn cần một giấy phép đặc biệt, và ngay cả khi bạn có giấy phép, nó chỉ áp dụng cho một khu vực bị phong tỏa hẹp", ông Andrey Liscovich, cựu giám đốc điều hành Uber và hiện hỗ trợ Ukraine, cho biết.

Ông Liscovich nhấn mạnh thêm: "Đó là lý do đây là một trong những lĩnh vực mà Ukraine có cơ hội rất thực tế để phát triển một giải pháp tầm cỡ thế giới".

Các nhà sản xuất UAV cũng nhận được phản hồi liên tục từ tiền tuyến, cho phép họ ngay lập tức thực hiện các điều chỉnh để giảm thiểu các lỗ hổng và cải thiện khả năng sát thương. "Giải quyết vấn đề cho người dùng ở mức cuối là một trong những vấn đề khó khăn và quan trọng nhất", ông Liscovich nói.

Nga gần đây đã xây dựng một đội quân UAV tình nguyện của riêng mình và đưa vũ khí gây nhiễu điện tử mới vào chiến trường. Việc lực lượng Nga sử dụng các UAV tự kích nổ, bao gồm cả ZALA Lancet và Shahed, gây ra mối lo lớn  các thành phố của Ukraine cũng như ngăn chặn cuộc phản công đang diễn ra chậm chạp của Ukraine.

Anh Fedorov cho biết, Ukraine ước tính, Nga đang phá hủy khoảng 1.000 UAV của Kiev mỗi tháng. Các ước tính khác đưa ra tỷ lệ tổn thất ở mức 10.000 mỗi tháng, buộc Kiev phải tìm cách tăng cường sản xuất để tham gia cuộc chiến đã nhanh chóng trở thành cuộc chiến UAV lớn nhất trong lịch sử.

Các loại UAV đang được phát triển ở Ukraine hoạt động hết công suất.

Mối lo từ thị trường UAV của Ukraine

Trên một cánh đồng hoa hướng dương cao ngút ngàn bên ngoài Kiev, các nhân viên của nhà sản xuất máy bay không người lái UA Dynamics đã chạy thử nghiệm Punisher, một UAV tấn công thầm lặng với khung mỏng rất khó phát hiện trên bầu trời.

Trong quá trình diễn tập, UAV đã thả một trọng tải giả nặng 2,5kg cách nhóm những người quan sát thử nghiệm vài bước chân. Họ đã mất cảnh giác vì động cơ gần như im lặng của nó. Ông Max Subbotin, phát ngôn viên của UA Dynamics cho biết, công ty đang chế tạo một UAV tấn công mới có thể mang theo 4 trọng tải như vậy, tổng cộng khoảng 10kg.

Tại thành phố phía tây Lviv, các kỹ sư của Twist Robotics đã trình bày các video thử nghiệm phần mềm hỗ trợ AI của họ. Phần mềm này có thể cung cấp một bản nâng cấp lớn cho kho vũ khí của UAV First Person View (FPV), của Ukraine.

UAV giá rẻ mà Ukraine sản xuất hàng nghìn chiếc mỗi tháng, có thể mang bom nhưng dễ bị Nga gây nhiễu. Tuy nhiên, tính năng nhắm mục tiêu mới do AI cung cấp cho phép FPV tiếp tục khóa mục tiêu ngay cả khi nó mất liên lạc với người điều khiển do bị kẹt hoặc có sự hiện diện của một vật thể lớn như đồi núi, ông Rostyslav Olenchyn, đồng sáng lập Twist Robotics cho biết.

Chiến sự Ukraine thúc đẩy cuộc cách mạng UAV sử dụng công nghệ AI - 2

Một UAV tấn công Punisher do UA Dynamics sản xuất trong chuyến thử nghiệm ở ngoại ô Kiev hôm 15/7 (Ảnh: Washington Post).

"Sau khi mục tiêu bị khóa, UAV được hệ thống này dẫn đường. Các cảm biến của UAV nhận ra các đặc điểm vật lý của mục tiêu và điều chỉnh quỹ đạo của máy bay cho phù hợp", ông Olenchyn cho biết thêm.

Cựu giám đốc điều hành của Google, ông Schmidt đang lạc quan về thị trường UAV trong nước của Ukraine và đã cam kết đầu tư 10 triệu USD cùng với các nhà đầu tư khác vào D3, một công ty tăng tốc khởi nghiệp của Ukraine chuyên về UAV và công nghệ quốc phòng khác.

Ông Schmidt, người đã tư vấn cho Lầu Năm Góc về công nghệ AI, ca ngợi những tiến bộ của Ukraine trong công nghệ UAV, bao gồm phần mềm AI và UAV hoạt động mà không cần hướng dẫn GPS. Ông cho rằng, UAV sẽ đóng vai trò quyết định trong tương lai trên bộ, trên không và trên biển trong các lĩnh vực rà phá bom mìn và hình thành "bầy đàn UAV tự sát được AI hỗ trợ".

Chiến sự Ukraine thúc đẩy cuộc cách mạng UAV sử dụng công nghệ AI - 3

Ông Dmytro Kovalchuk, đồng sáng lập Warbirds của Ukraine, cầm một UAV Galka bên trong nơi sản xuất của công ty (Ảnh: Washington Post)

"Tương lai của chiến tranh sẽ do UAV quyết định và tiến hành", ông Schmidt kết luận.

Nhưng sự tăng tốc của công nghệ UAV đã khiến các chuyên gia an ninh lo lắng do ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ sử dụng vũ khí này cho mục đích sát thương.

Các cường quốc quân sự từ lâu đã phải vật lộn với vấn đề đạo đức trong việc cho phép máy móc sử dụng vũ lực gây chết người trong chiến đấu. Cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Biden, tướng Mark A. Milley, cho biết Mỹ yêu cầu "con người" phải ở trong "vòng ra quyết định" và gần đây đã kêu gọi quân đội các nước lớn khác áp dụng các tiêu chuẩn tương tự.

Công nghệ mục tiêu mới vẫn yêu cầu con người điều khiển nhắm chọn mục tiêu, ông Kovalchuk, người có công ty sản xuất UAV cũng sử dụng phần mềm AI, cho biết. Nhưng một khi đã lựa chọn, UAV sẽ đuổi theo mục tiêu và thả đạn, tạo ra khoảng cách giữa "quyết định của con người và hành động gây chết người".

Ông Kovalchuk cho biết, những người Ukraine đã thử nghiệm phần mềm mới khẳng định rằng, vai trò của UAV bị hạn chế và "có thể chấp nhận được". Ông nói: "Chúng tôi không nhắm mục tiêu vào dân thường. Và chúng tôi coi sai số từ 5m đến 10 mét là chấp nhận được".

Chính Fedorov cũng thừa nhận sự lan rộng của công nghệ AI là một "mối đe dọa cho tương lai", nhưng nhấn mạnh Kiev phải ưu tiên cuộc chiến trước mắt để sinh tồn.

Theo Washington Post