1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chiến lược mới của Mỹ đối phó Trung Quốc

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố các chính sách mới, đáng chú ý của chính quyền Tổng thống Joe Biden để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Chiến lược mới của Mỹ đối phó Trung Quốc - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong bài phát biểu tại Đại học George Washington ở thủ đô Washington D.C hôm 26/5.

"Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới"

"Thách thức dài hạn nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế", đó là cụm từ mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã dùng để tóm tắt về chính sách an ninh mới của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc, trong một bài diễn văn tại Đại học George Washington ở thủ đô Washington D.C ngày 26/5.

Bài phát biểu vừa qua cũng là lần đầu tiên các điểm chính của chính sách Trung Quốc mới Mỹ được tiết lộ. 

"Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới với mong muốn thay đổi trật tự thế giới, cũng như có đầy đủ các tiềm lực kinh tế, ngoại giao, quân sự và khoa học kỹ thuật để hiện thực hóa ý định này", Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ về sự e ngại của Mỹ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong vòng hơn 75 năm qua.

Để đối mặt với những thách thức từ phía Trung Quốc, Mỹ xác nhận nước này sẽ tăng cường phối hợp với các đồng minh và đối tác thân cận trong việc kiềm chế Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ gắn kết các nỗ lực của mình với một mạng lưới các đồng minh và đối tác có chung một mục tiêu. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích và tầm nhìn tương lai của nước Mỹ", ông Blinken cho hay.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tăng cường đầu tư chiến lược vào các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Không muốn "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc

Ông Blinken cũng khẳng định chiến lược này của Mỹ không đồng nghĩa với việc Mỹ mong muốn một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới với Trung Quốc. Ông thừa nhận Mỹ và Trung Quốc đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và Mỹ muốn tránh các "xung đột hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

"Chúng tôi không tìm cách ngăn Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn, hay kiềm chế khả năng phát triển kinh tế và thúc đẩy lợi ích người dân của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy vậy, chúng tôi sẽ bảo vệ và củng cố sự tuân thủ của pháp luật quốc tế cùng các thỏa thuận, điều ước và nguyên tắc trong việc duy trì hòa bình và an ninh, cũng như bảo vệ độc lập chủ quyền của các quốc gia trên toàn thế giới", Ngoại trưởng Blinken cho biết thêm.

Chính vì lý do này, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của các biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết các bất đồng giữa hai nước.

"Ngoại giao sẽ là cách chúng ta giải quyết các bất đồng cơ bản, hiểu rõ mục đích của bên còn lại và xóa bỏ nghi ngờ giữa hai nước. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các đường dây liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh trên tất cả các lĩnh vực", ông Blinken cho hay.

Cùng nhân dịp này, Mỹ đã lên tiếng xoa dịu Trung Quốc sau những phát biểu của Tổng thống Joe Biden về Đài Loan.

Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh quan điểm của Mỹ với chính sách "Một Trung Quốc" là không thay đổi. "Chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan và mong muốn các khác biệt giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ được giải quyết một cách hòa bình", ông nói.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken cũng đề cập đến việc tình hình Đài Loan đang biến động sau những sự ép buộc ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc cắt đứt quan hệ của Đài Loan với các quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới.

Cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ đã thông báo về việc thành lập một ban chuyên biệt về Trung Quốc trực thuộc Bộ Ngoại giao. Ban này sẽ có nhiệm vụ phối hợp và triển khai các chính sách của Mỹ về vấn đề Trung Quốc.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đang trở nên ngày một căng thẳng. Washington đã cáo buộc Bắc Kinh thiếu những hành động quyết liệt nhằm kiềm tỏa Moscow trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Ở một động thái ngược lại, Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối Mỹ vì những can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 23/5, khi được hỏi liệu rằng Mỹ có sẵn sàng can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị tấn công bằng vũ lực hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định là: "Có, đó là cam kết của chúng tôi".

Trung Quốc lên tiếng

Đáp lại phát biểu này của Tổng thống Joe Biden, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày đã lên tiếng phản đối và cho biết nước này không chấp nhận việc "các nước thứ ba can thiệp vào công việc nội bộ".

"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như các lợi ích cốt lõi khác. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ nghiêm túc tuân theo nguyên tắc Một Trung Quốc và thận trọng về vấn đề Đài Loan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho hay.

Theo CNN, CNBC