1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Biden và 3 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyến thăm châu Á

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị có chuyến thăm đầu tiên tới châu Á trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng.

Tổng thống Biden và 3 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyến thăm châu Á - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden trên chuyên cơ Không Lực Một (Ảnh: AP).

SCMP đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị có chuyến thăm đầu tiên tới châu Á trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Trong chuyến đi này, Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm 2 nước đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ông Biden dự kiến sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ tứ kim cương QUAD, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Các nhiệm vụ chính của chuyến đi này của ông Biden bao gồm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với các đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực nhằm củng cố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington. Đồng thời, Tổng thống Biden cũng muốn tìm kiếm sự ủng hộ cho việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, cũng như kiềm chế ảnh hưởng đang ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Giáo sư Andrew Yeo, nghiên cứu viên cấp cao và là trưởng khoa Triều Tiên tại Viện Brookings ở Washington D.C, cho biết cả Tokyo và Seoul đều ủng hộ các biện pháp trừng phạt, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào Nga, viện trợ nhân đạo và bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc ủng hộ Ukraine.

"Việc các đồng minh ở châu Á, chứ không chỉ riêng ở châu Âu, vẫn ủng hộ Ukraine giúp Washington có một động lực lớn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Nga và Trung Quốc", Giáo sư Yeo nhận định.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Biden sẽ có lần gặp mặt đầu tiên với tân Tổng thống Yoon Seok-yeol. Theo Jae Jeok Park, phó giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, chính quyền của Tổng thống Yoon rất có thể sẽ bày tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ" đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Mỹ".

"Các cố vấn chính sách đối ngoại của Yoon sẽ đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn của Hàn Quốc về chiến lược này như một khoản bảo hiểm cho liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc," ông Park nói.

Bên cạnh đó, phó giáo sư Park cũng cho rằng Washington có khả năng sẽ thu hút Seoul sâu hơn vào chiến lược này bằng cách nhấn mạnh rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã củng cố liên minh giữa Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Triều Tiên.

Đối với Nhật Bản, chuyến thăm của ông Biden một lần nữa muốn nhấn mạnh với Thủ tướng Kishida về vai trò quan trọng của Nhật như là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở trong khu vực. Mỹ cũng đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của Nhật Bản tại châu Á cũng như thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản, trong bối cảnh nền kinh tế của cả 2 nước đang gặp khó khăn nhất định do giá nguyên liệu tăng cao.

"Chính sách ngoại giao trầm lặng của Nhật Bản đã góp phần duy trì một liên minh ngoại giao rộng rãi ở châu Á và được đánh giá cao ở Washington", giáo sư Yoichiro Sato từ Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương nhận xét.

Chuyến thăm châu Á của ông Biden diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông tiếp các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington vào cuối tuần trước. Đây là động thái thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với khu vực châu Á của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

Theo SCMP