1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến lược mới có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế

An Hoàng

(Dân trí) - Theo giới phân tích, Ukraine cần một chiến lược mới trong năm 2024 để xoay chuyển cục diện xung đột với Nga khi cuộc chiến đã kéo dài sang năm thứ 3.

Chiến lược mới có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế - 1

Giới chuyên gia cho rằng Ukraine nên tập trung phòng thủ trong năm 2024 (Ảnh minh họa: Atlantic).

Trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi sự trợ giúp từ các đồng minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn viện trợ từ những nguồn hậu thuẫn chính như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục đình trệ, Kiev buộc phải tìm kiếm thêm những cách tiếp cận mới, không chỉ trên chiến trường mà cả ở bàn đàm phán với các quốc gia ủng hộ.

Một trong những phương án Ukraine có thể lựa chọn để thuyết phục các đồng minh là phải tự khẳng định được chính tiềm lực quân sự quốc gia. Tăng cường sản xuất quốc phòng, theo đuổi chiến lược quân sự và ngoại giao mới, đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào các tuyến tiếp tế của Nga cũng như những vị trí dễ bị tổn thương tại Crimea,... một chiến lược rõ ràng sẽ giúp NATO tin rằng lựa chọn ủng hộ Kiev của họ sẽ đem lại kết quả tích cực.

Từng xuất hiện nhiều ý kiến rằng cuộc phản công mùa hè 2023 của Ukraine không đạt được kết quả như mong đợi, khiến Nga có thời gian lập hệ thống phòng thủ kiên cố. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng Ukraine cũng đã đạt được những kết quả tương đối đáng kể, nếu không muốn nói là mang tính đột phá.

Kiev cũng đã ngăn chặn thành công các cuộc tấn công quy mô lớn do Moscow tiến hành tại miền Đông. Trong khi đó, Ukraine cũng khiến Hạm đội Biển Đen của Nga phải rút phần lớn khỏi Sevastopol bất chấp việc Ukraine thiếu sức mạnh không quân và hải quân.

Mặc dù vậy, Nga vẫn có lợi thế áp đảo về mặt vũ khí và lực lượng, giúp họ có thể kéo dài khả năng chịu đựng. Đây là một vấn đề nan giải với Ukraine, và quốc gia này nên theo đuổi một chiến lược phù hợp mới, với năm yếu tố chính như sau.

Ukraine cần chiến lược mới

Theo giới quan sát, để phá vỡ thế bế tắc hiện nay, Ukraine cần một chiến lược mới.

Đầu tiên, Ukraine nên tập trung hơn vào việc phòng thủ. Kiev cần duy trì lãnh thổ mà họ kiểm soát ngay cả trong khi chuẩn bị cho các cuộc phản công. Bài học rút ra sau 2 năm chiến sự là ưu thế của một hệ thống phòng ngự bài bản không chỉ đẩy lùi khả năng tiến công của đối phương mà còn có thể duy trì quân lực cho một cuộc chiến kéo dài.

Emma Ashford, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Henry L. Stimson, nhận định Ukraine thiếu năng lực để tiến hành các hoạt động tấn công, do vậy họ nên chú trọng đến việc xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc để ngăn Nga giành thêm lãnh thổ.

"Ukraine chưa thể giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình nhưng họ có thể ngăn Nga đạt thêm bước tiến trên chiến trường. Ukraine nên tăng cường xây dựng các công sự cố định, đào sâu phòng tuyến, sử dụng mìn sát thương, mìn chống tăng, điều mà Nga đã làm trong năm qua và giúp họ phòng thủ khá hiệu quả", bà Ashford lưu ý.

Thứ hai, Ukraine cần giảm phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Ukraine có một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ với sản lượng tăng mạnh sau khi cuộc xung đột bùng phát vào năm 2022. Trước đó, Ukraine đã ký hơn 20 thỏa thuận với các đối tác nước ngoài, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Mỹ,… nhằm thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng.

Thứ ba, Mỹ và các đồng minh nên hỗ trợ Ukraine xây dựng hệ thống phòng không - không quân và tăng cường lượng tên lửa cũng như máy bay không người lái (UAV). Ukraine cần tự bảo vệ mình trước những chiến dịch không kích dữ dội của Nga. Do đó, các đồng minh phương Tây nên tái phân bổ các khẩu đội Patriot từ các khu vực khác của châu Âu sang Kiev, đồng thời hợp tác nhằm phát triển các hệ thống phòng thủ chống lại UAV và các vũ khí chiến trường khác.

Thứ tư, Ukraine có thể nhắm vào các đường tiếp tế của Nga ở miền Đông Ukraine và miền Tây nước Nga. Điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga, đồng thời khiến Moscow phân tán sự chú ý khỏi kế hoạch tấn công, giành thêm lãnh thổ.

Thứ năm, Ukraine có thể tạo thêm mối đe dọa đối với bán đảo Crimea, khu vực mà lực lượng của Nga dễ bị tổn thương. Crimea được xem là trọng tâm của cuộc chiến này, nắm giữ nhiệm vụ kiểm soát phần lớn Hạm đội Biển Đen, các tuyến đường tiếp tế cũng như mang ý nghĩa chính trị quan trọng đối với Nga. Nếu khu vực trọng yếu này bị đưa vào tầm ngắm, Moscow nhiều khả năng sẽ phải cân nhắc lại tình hình cuộc chiến.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Ukraine cần phương Tây duy trì nguồn viện trợ, dỡ bỏ những giới hạn trong viện trợ quân sự cho Kiev như vũ khí tầm xa.

Giới chuyên gia nhận định cách tiếp cận này có thể tạo tiền đề cho một hiệp ước hòa bình hoặc một thỏa thuận ngừng bắn chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ cần phương án này có thể khiến các bên tạm ngừng giao tranh và Ukraine có thêm thời gian tập hợp lực lượng và chờ viện trợ đã là thành công.

Nhiều ý kiến phản đối cho rằng điều này cũng sẽ mang lại cho Nga thời gian chuẩn bị để tiếp tục chiến dịch của họ. Do vậy, đây sẽ là lúc Mỹ và các nước phương Tây thúc đẩy các cam kết quốc phòng trên bàn đàm phán đình chiến để làm giảm nguy cơ này.

Tư cách thành viên NATO có thể được coi là một "vỏ bọc chính trị" giúp Ukraine đề phòng người Nga, đồng thời giúp Kiev tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

Với NATO, hỗ trợ Ukraine "không phải làm từ thiện". NATO hiểu rõ rằng nếu Ukraine và phương Tây chùn bước, kế hoạch của Nga thành công thì NATO sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Phòng thủ và tấn công

Chiến lược mới có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế - 2

Binh sĩ Ukraine khai hỏa (Ảnh: AFP).

Theo các chuyên gia, chiến lược quân sự của Ukraine cho năm 2024 nên tập trung vào việc giữ vững tiền tuyến và đảm bảo quyền kiểm soát đối với khoảng 82% lãnh thổ vẫn nắm giữ trong tay. Chiến lược phòng thủ tích cực sẽ phát huy thế mạnh hiện tại của Ukraine, đồng thời tận dụng thời gian quý báu để tập hợp lực lượng và tái vũ trang nhằm chuẩn bị cho những đợt tiến công tiềm năng cho tương lai.

Ngoài ra, với áp lực chiến thắng đang đè nặng lên Moscow, việc Kiev duy trì một thế trận vững vàng sẽ càng thử thách khả năng chịu đựng của Nga, điển hình như cách họ phòng thủ ở trận địa Avdiivka.

Ông Michael Kofman, chuyên gia tại tổ chức Carnegie Endowment, cũng cho rằng: "Theo tôi, nếu đưa ra một tầm nhìn cho cuộc xung đột ở Ukraine trong năm nay, thì đó là cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc phòng thủ, củng cố và tấn công".

Ông giải thích, trong giai đoạn phòng thủ, Ukraine sẽ nỗ lực bảo vệ tiền tuyến đủ lâu để bào mòn nguồn lực của Nga. "Nếu Ukraine có thể duy trì phòng thủ trước Nga, điều này sẽ khiến Moscow rơi vào thế yếu do bị tiêu hao nguồn lực", ông nói.

Tuy nhiên, tích cực phòng thủ không đồng nghĩa với việc Ukraine từ bỏ các kế hoạch tấn công. Ngược lại, Kiev có thể gây sức ép với Moscow bằng những vụ tập kích vào vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát hay xa hơn nữa là bên trong nước Nga.

Trọng tâm của các đợt tấn công có thể tính đến khu vực tập trung quân đội, căn cứ quân sự, kho đạn dược cùng với các trung tâm hậu cần và cơ sở sản xuất vũ khí. Bên cạnh đó, bán đảo Crimea vừa là khu vực dễ bị tổn thương, vừa mang ý nghĩa chiến lược quan trọng của Nga cũng sẽ là mục tiêu hàng đầu.

Với Nga, họ dường như đã chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Viện trợ của phương Tây đóng vai trò quan trọng để Ukraine có thể bám trụ trong một cuộc chiến như vậy.

Nhà Trắng đã phân bổ hơn 100 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Tuy nhiên, Mỹ lại đưa ra nhiều chính sách hạn chế sức tấn công của quân đội Ukraine.

Trong khi đó, EU đã viện trợ khoảng 80 tỷ USD, nhưng phần lớn trong số này được gửi đến Kiev dưới dạng hỗ trợ tài chính thay vì cung cấp quân sự. Nói một cách rõ ràng hơn, gánh nặng được chia sẻ một cách không đồng đều trên khắp châu Âu. Tính theo % GDP, đóng góp của Ba Lan, Phần Lan, các nước vùng Baltic và Na Uy, các quốc gia có chung đường biên giới với Nga, vượt xa các nước giàu có hơn như Đức, Pháp và Italy.

Ngoài MiG-29, Ba Lan đã chuyển giao hơn 320 xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại hóa cho Ukraine trong năm 2022 và đầu năm 2023, thay thế phần lớn tổn thất trên chiến trường của Ukraine. Estonia đã chuyển giao toàn bộ số pháo 155mm và hơn 1/3 ngân sách quốc phòng hàng năm cho Ukraine. Latvia đã đóng góp toàn bộ tên lửa Stinger của họ. Thậm chí, một Litva nhỏ bé cũng đã đóng góp gần 1 tỷ USD viện trợ dưới mọi hình thức, chỉ đứng sau Na Uy tính theo phần trăm GDP.

Rõ ràng, những quốc gia bị đe dọa nhiều hơn bởi sự hiện diện của Nga tại Ukraine đã thể hiện cam kết của họ một cách tích cực hơn rất nhiều. Vậy điều gì giải thích cho cách tiếp cận thận trọng của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine?

Thứ nhất, một số nhà hoạch định chính sách phương Tây lo ngại rằng việc tận lực hỗ trợ Ukraine có khả năng sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" và kích động Điện Kremlin, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Thứ hai, nhiều chuyên gia từng cảnh báo nếu Nga  thất bại hoàn toàn, tình hình có thể sẽ hỗn loạn. Một điều không thể phủ nhận Nga vẫn là một thực thể mạnh trong hệ thống quan hệ quốc tế, sức mạnh kinh tế và quyền lực của họ là điều khó có thể bị thay thế.

Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cũng đã bị nhiều chuyên gia bác bỏ, trong đó có Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Trong 8 thập kỷ qua, khả năng răn đe hạt nhân đã được chứng minh là ổn định và bền vững. Mỹ đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống hạt nhân quốc gia, họ có niềm tin vào khả năng ngăn chặn nướcNga của chính mình.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden được ghi nhận vì những nỗ lực ủng hộ Ukraine hưng mục tiêu cuối cùng của Mỹ dường như không phải là giúp Ukraine giành chiến thắng. Hết lần này đến lần khác, Tổng thống Biden và các trợ lý chính của ông đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc kích động Thế chiến III như một lý do để từ chối những gói viện trợ quan trọng. Các cường quốc châu Âu phần lớn đã làm theo.

Điều mâu thuẫn ở đây là trong khi Washington và các đồng minh theo đuổi một chính sách có thể ngăn cản chiến thắng của Nga, họ lại tước đi những công cụ mà Kiev cần để giành chiến thắng vì lo ngại làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột thậm chí còn nguy hiểm hơn, quy mô lớn hơn ở châu Âu.

Theo Atlantic Council, WSJ, Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine