1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược của Ấn Độ đối phó với sức mạnh Hải quân Trung Quốc

Mạng Phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDR) ngày 6/8 đăng bài viết của tác giả Avinash Chandra phân tích sự gia tăng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc và chiến lược của Ấn Độ để đối phó với xu hướng này.

Nội dung đáng chú ý trong bài viết như sau:

Tham vọng địa chính trị chiến lược của Trung Quốc đang hướng tới tiếp cận và kiểm soát các cảng và các khu vực trên không, hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và Hải quân, tăng cường tìm kiếm các đối tác và củng cố các mối quan hệ ngoại giao song phương, tăng sự hiện diện Hải quân ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Hiện có tin đồn Trung Quốc sẽ triển khai một tàu sân bay thứ hai trong thời gian tới.

Chiến lược của Ấn Độ đối phó với sức mạnh Hải quân Trung Quốc - 1

Cảng Gwadar ở Pakistan có thể giúp Trung Quốc thâm nhập Ấn Độ Dương.

Cảng chiến lược Gwadar - ở phía Tây tỉnh Baluchistan, Pakistan, do Trung Quốc kiểm soát - là cánh cửa để vào biển Arập. Khi cảng Gwadar được kết nối với tuyến đường cao tốc Karrakoram (bao trùm biên giới giữa Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, nằm ở khu vực Gilgit-Baltistan, Ladakh và Tân Cương) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thâm nhập Ấn Độ Dương. Đây sẽ là mối lo ngại và nguy hiểm nhất đối với Hải quân Ấn Độ.

Đối với đảo Marao - đảo san hô lớn nhất với 1.192 hòn đảo ở Maldives - Ấn Độ đã cố gắng ngăn chặn Trung Quốc mua đảo này từ Maldives, nhưng Pakistan đã thay mặt Trung Quốc để đàm phán và chơi "con bài" Hồi giáo để kiểm soát cuộc chơi. Trung Quốc đã thể hiện rõ mưu đồ biến đảo Marao thành một căn cứ Hải quân lớn. Kế hoạch của Trung Quốc là nhằm triển khai tàu ngầm hạt nhân, đưa các tên lửa Đông Phong-44 và tàu phóng tên lửa đạn đạo ra biển. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là mối quan ngại lớn đối với lực lượng Hải quân và Lục quân Ấn Độ.

Seychelles nằm trong quần đảo Ấn Độ Dương gồm có 115 hòn đảo với dân số xấp xỉ 90.000 người. Các phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc đã tới thăm Seychelles và đàm phán về việc thành lập các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại quốc gia này. Trước mắt, các căn cứ này có thể được ngụy trang ở cấp độ thấp với mục đích chống lại nạn cướp biển hoành hành. Ngoài ra, Trung Quốc có các cơ sở tiếp tế tại các cảng ở Djibuti, Oman và Yemen.

Chiến lược của Ấn Độ đối phó với sức mạnh Hải quân Trung Quốc - 2

Ấn Độ đang thương lượng thuê tàu ngầm hạt nhân tấn công của Nga.

Có thể nhận thấy sự hiện diện của Trung Quốc dưới học thuyết về chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiểm soát và thống trị Ấn Độ Dương. Nếu so sánh về tiềm lực Hải quân, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Ấn Độ về số lượng và tính hiện đại. Trong khi Ấn Độ có 12 tàu ngầm, trong đó có 1 tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc đã có 63 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm hạt nhân. Thậm chí ngay cả khi Ấn Độ bắt tay ngay vào hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh Hải quân thì cũng không so sánh được với sự vượt trội của Trung Quốc.

Vì vậy, đây là thời điểm cần thức tỉnh và triển khai các hành động cụ thể như sau:

Thứ nhất, Ấn Độ cần ngay lập tức bắt tay vào một chính sách hiện đại hóa và mở rộng lực lượng Hải quân. Bên cạnh các cuộc đàm phán với Nhật Bản để hợp tác sản xuất tàu ngầm, New Delhi cũng cần thúc đẩy đàm phán để có được các tàu chiến hiện đại từ Pháp, Đức, Nga và Tây Ban Nha. Hơn nữa, Ấn Độ cần quan tâm thích đáng đến việc nghiên cứu và phát triển tàu ngầm và tàu chiến cũng như các vũ khí chống tàu ngầm, tàu phóng tên lửa, trong đó có tên lửa siêu thanh BrahMos.

Thứ hai, Ấn Độ cần xây dựng Hiệp ước quốc phòng khu vực với Mỹ, Nga, Nhật Bản, Australia, Israel và Việt Nam, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận Hải quân chung thường xuyên với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Thứ ba, trên mặt trận ngoại giao, Ấn Độ nên áp dụng cách tiếp cận thân thiện với tất cả các nước láng giềng. Hiện nay đã có sự tiến bộ đáng kể sau các chuyến thăm hiệu quả của Thủ tướng Narendra Modi tới các quốc gia láng giềng trong khu vực, đặc biệt là những thay đổi trong cách tiếp cận với Sri Lanka. Trung Quốc coi Ấn Độ là một quốc gia thù địch và thực tế này phải được lưu ý trong việc xây dựng chính sách quốc phòng và đối ngoại của New Delhi.

Theo TTK/baotintuc.vn

Chiến lược của Ấn Độ đối phó với sức mạnh Hải quân Trung Quốc - 3