1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược biến kho báu 60 tỷ USD thành “Biển Đông thứ hai” của Trung Quốc

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là đang áp dụng chiến lược biến khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, nơi có trữ lượng khoáng sản trị giá gần 60 tỷ USD, thành “Biển Đông thứ hai”.

Bản đồ khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ (Ảnh: SCMP)
Bản đồ khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ (Ảnh: SCMP)

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các hoạt động khai thác mỏ quy mô lớn trên phần đất của mình tại biên giới tranh chấp với Ấn Độ ở Himalaya - nơi có trữ lượng lớn các loại vàng, bạc và khoáng sản quý hiếm từng được phát hiện. Các nhà địa chất học Trung Quốc ước tính “kho báu” khổng lồ này có giá trị gần 60 tỷ USD.

Mặc dù hoạt động khai thác khoáng sản đã diễn ra tại dãy núi cao nhất thế giới từ hàng nghìn năm nay, song những thách thức trong việc tiếp cận địa hình hẻo lánh và những lo ngại về sự tàn phá của môi trường cho đến nay vẫn hạn chế quy mô của các hoạt động này. Tuy vậy, sau nhiều năm chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào hệ thống đường sá và cơ sở hạ tầng trong khu vực, các mỏ khai khoáng mới đang phát triển với quy mô chưa từng có.

Hầu hết các khoáng sản quý, bao gồm tài nguyên đất hiếm được sử dụng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đều nằm tại vùng Lhunze - một thành trì quân sự do Trung Quốc chiếm được từ Ấn Độ cách đây gần 60 năm.

Chỉ trong vài năm, các hoạt động khai khoáng đã biến một vùng đất yên tĩnh ở nơi xa xôi hẻo lánh với dân số chỉ 30.000 người, trong đó chủ yếu là dân chăn nuôi gia súc, thành trung tâm khai thác khoáng sản bùng nổ. Người từ nơi khác đổ xô tới khu vực này nhanh tới mức ngay cả chính quyền địa phương cũng không thể thống kê chính xác số dân hiện nay.

trung quoc 2

Trung Quốc tăng cường các hoạt động khai thác ở Lhunze và khu vực lân cận - nơi có trữ lượng khoảng sản được định giá gần 60 tỷ USD (Ảnh: SCMP)

Các đường hầm lớn và sâu đã được đào bên dưới các dãy núi dọc theo đường ranh giới quân sự, cho phép hàng nghìn tấn quặng được đưa lên xe tải và vận chuyển mỗi ngày. Từng đoàn xe sẽ di chuyển dọc theo các con đường được xây dựng xuyên qua các ngôi làng. Ngoài ra, hệ thống đường dây điện và mạng viễn thông cũng được thiết lập trong khi một sân bay đang được xây dựng để phục vụ các máy bay chở khách.

Tính đến cuối năm 2017, quy mô của các hoạt động khai khoáng ở Lhunze đã vượt qua tất cả các khu vực khác ở Tây Tạng. Theo số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng GDP của Lhunze đạt con số 20%, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng tăng gấp đôi so với năm 2016 và thu nhập binh quân đầu người của người dân địa phương đã tăng gần gấp 3 so với giai đoạn hoạt động khai khoáng chưa bùng nổ.

Hồi tháng 10/2017, ngay sau khi kết thúc căng thẳng quân sự trên cao nguyên Doklam, vụ đối đầu căng thẳng nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh chủ quyền của Bắc Kinh trong bức thư gửi một gia đình ở Lhunze. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảm ơn một người cha và hai cô con gái vì sự trung thành và đóng góp của họ cho Trung Quốc, đồng thời kêu gọi người dân ở Lhunze tiếp tục “cắm rễ” để phát triển khu vực này vì lợi ích quốc gia. Một lá thư hiếm hoi gửi đích danh tới người dân từ Chủ tịch Tập Cận Bình đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Tham vọng của Trung Quốc

Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu địa chất tại khu vực chứa mỏ khoáng sản (Ảnh: SCMP)
Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu địa chất tại khu vực chứa mỏ khoáng sản (Ảnh: SCMP)

Theo các nguồn tin thân cận với dự án khai khoáng, tốc độ phát triển kinh ngạc ở vùng Lhunze là một phần trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm giành lại Nam Tây Tạng - vùng lãnh thổ tranh chấp đang nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ. Khu vực này là địa phận của Arunachal Pradesh, một bang của Ấn Độ có diện tích lớn bằng nước Áo với các khu rừng nguyên sinh, đất trồng trọt màu mỡ và các nguồn tài nguyên giàu có.

Các nguồn tin nhận định các động thái của Trung Quốc nhằm chiếm nguồn tài nguyên tự nhiên trong khu vực trong khi vẫn đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng có thể biến khu vực này thành “một Biển Đông thứ hai”. Trải dài qua 5 quốc gia Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc, Bhutan và Nepal, dãy Himalaya từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột đổ máu xuất phát từ các tranh chấp biên giới giữa các nước.

Theo SCMP, tham vọng “Biển Đông thứ hai” của Trung Quốc tại dãy núi cao nhất thế giới xuất phát từ những phát hiện gần đây về giá trị của các loại khoáng sản đang nằm sâu dưới lòng đất trong khu vực.

Zheng Youye, Giáo sư tại Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh và là nhà khoa học đầu ngành về cuộc khảo sát khoáng sản bắc Himalaya, xác nhận với SCMP rằng một loạt phát hiện trong những năm gần đây đã cho thấy giá trị tiềm năng của các mỏ khoáng sản bên dưới Lhunze và khu vực lân cận vào khoảng 370 tỷ nhân dân tệ (khoảng 58 tỷ USD).

“Đây chỉ là con số ước tính ban đầu. Các cuộc khảo sát mới vẫn đang được tiến hành”, theo ông Zheng.

Binh sĩ Trung Quốc - Ấn Độ làm nhiệm vụ tại biên giới (Ảnh: AFP)
Binh sĩ Trung Quốc - Ấn Độ làm nhiệm vụ tại biên giới (Ảnh: AFP)

Ấn Độ hiện kiểm soát phần lớn Nam Tây Tạng, hay bang Arunachal Pradesh, với dân số 1,2 triệu dân sống trải rộng trên khu vực rộng hơn 83.000 km2. Trong nhiều thập niên qua, Ấn Độ đã duy trì lực lượng quân sự mạnh tại khu vực này, bao gồm các sân bay và cơ sở phóng tên lửa. Chính phủ Ấn Độ cũng khuyến khích người dân ở các vùng khác tới Nam Tây Tạng sinh sống. Tuy nhiên kiến thức về khai thác tài nguyên dưới lòng đất của Ấn Độ vẫn còn rất hạn chế do thiếu các cuộc khảo sát quy mô lớn và sâu rộng.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính từ chính phủ, khi các nhà khoa học Trung Quốc tìm hiểu thêm về khu vực này, họ có thể sẽ tiếp tục phát hiện thêm các mỏ khoáng sản mới. Theo Giáo sư Zheng, các mỏ khoáng sản mới có thể sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Himalaya.

Trung Quốc từng chiếm Nam Tây Tạng sau khi phát động cuộc chiến tranh với Ấn Độ vào đầu thập niên 1960. Tuy nhiên, theo ông Zheng, quân đội Trung Quốc buộc phải rút lui nhanh chóng vì “không có người ở đó để giữ đất”.

Ông Zheng nhận định các hoạt động khai khoáng mới sẽ dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể số lượng cư dân Trung Quốc ở Himalaya. Điều này sẽ tạo sự hậu thuẫn lâu dài và ổn định cho bất kỳ chiến dịch ngoại giao hoặc quân sự nào của Trung Quốc nhằm đẩy lùi dần các lực lượng của Ấn Độ ra khỏi vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh chiếm được.

“Điều này tương tự với những gì xảy ra trên Biển Đông khi Trung Quốc khẳng định chủ quyền với phần lớn vùng biển tranh chấp bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và tăng cường hoạt động hải quân”, ông Zheng cho biết.

Hao Xianguang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và là chuyên gia cấp cao của chính phủ về tranh chấp Trung - Ấn tại Nam Tây Tạng, Bắc Kinh có thể đang sử dụng cách tiếp cận với Himalaya tương tự với Biển Đông. Theo chuyên gia Hao, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế, quân sự, địa chính trị của Trung Quốc ngày càng được tăng cường, “sẽ chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi Nam Tây Tạng quay về dưới sự kiểm soát” của Bắc Kinh.

Thành Đạt

Theo SCMP