1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến dịch tranh cử đắt đỏ của ông Trump phải "thắt lưng buộc bụng"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từng đạt được lợi thế về mặt tài chính khi quyên góp được 1 tỷ USD cho nỗ lực tái cử, nhưng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải “thắt lưng buộc bụng” khi số tiền đang cạn dần.

Chiến dịch tranh cử đắt đỏ của ông Trump phải thắt lưng buộc bụng - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo New York Times, yếu tố tài chính được cho là một trong những lợi thế to lớn nhất của một tổng thống đương nhiệm khi tái tranh cử, giống trường hợp của ông Barack Obama vào năm 2012 và George W. Bush năm 2004.

Sau khi đắc cử vào 2016, ông Trump đã đăng ký tái cử tổng thống ngay từ ngày ông nhậm chức nhiệm kỳ 1, sớm hơn bất cứ tổng thống nào trong thời hiện đại. Ông Trump tin rằng việc khởi động sớm sẽ mang lại cho ông lợi thế tài chính quyết định trong năm nay.

Chiến lược này ban đầu dường như hiệu quả. Đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden gần như thiếu tiền để tiếp tục chiến dịch hồi đầu năm nay, trong khi ông Trump và đảng Cộng hòa có lợi thế về khoản 200 triệu USD tiền mặt so với ông Biden vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, theo New York Times, ưu thế tài chính của ông Trump dường như đã giảm dần. Trong 1,1 tỷ USD mà chiến dịch tranh cử của ông Trump và đảng Cộng hòa vận động được từ đầu năm ngoái tới tháng 7 năm nay, hơn 800 triệu USD đã được chi tiêu. Hiện thời, các nguồn tin trong chiến dịch của ông Trump đang lo ngại có thể xảy ra một “cuộc khủng hoảng tiền mặt” với tổng thống đương nhiệm khi cuộc bầu cử chỉ còn gần 60 ngày nữa sẽ diễn ra.

Theo New York Times, chiến dịch của ông Trump dường như đã chi nhiều dẫn tới hàng trăm triệu USD bị chi quá tay.

Kể từ khi ông Bill Stepien trở thành tân giám đốc chiến dịch của ông Trump, các nguồn tin nói rằng hàng loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đã được áp dụng để thay đổi các khoản tiền chi cho việc thuê người, di chuyển và quảng cáo.

Dưới thời ông Brad Parscale - người tiền nhiệm của ông Stepien, hơn 350 triệu USD đã được tiêu vào hoạt động gây quỹ. Tuy nhiên, chiến dịch của ông Trump không chi bất cứ khoản nào cho việc vận động đóng góp trực tuyến.

Một trong những khoản chi tiêu gây thắc mắc lớn nhất là 2 quảng cáo chiếu ở giải bóng bầu dục Super Bowl trị giá 11 triệu USD, cao hơn bất cứ khoản chi nào cho mảng truyền hình ở một số bang chiến trường, nơi cử tri nghiêng hẳn về phe Dân chủ hay Cộng hòa.

Có ý kiến cho rằng những khoản chi tiêu mạnh tay trước đó từ chiến dịch tranh cử của ông Trump dường như không mang lại hiệu quả tích cực. Khi cuộc bầu cử chỉ còn 2 tháng nữa, ông Trump vẫn đang thua kém đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc và tại các bang chiến trường.

Tháng 8, chiến dịch của ông Biden thậm chí đã kêu gọi được khoản tài trợ kỷ lục 365 triệu USD, con số khiến ông Biden cũng phải thừa nhận là “choáng váng”. Trong khi đó, chiến dịch của ông Trump chưa công bố khoản gây quỹ tháng trước.

“Nếu bạn chi tới 800 triệu USD và vẫn kém đối thủ 10 điểm, tôi nghĩ bạn phải đặt câu hỏi rằng kế hoạch của chiến dịch là gì vậy?”, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa Ed Rollins, một người ủng hộ ông Trump, nhận định.

Thắt chặt chi phí

Kể từ khi nhậm chức, ông Stepien đã bắt đầu quá trình siết chặt việc chi tiêu. Trên tấm bảng trắng trong phòng làm việc của ông có viết con số ngân sách tranh cử còn lại. Ông đã áp dụng hàng loạt thay đổi như gạt bỏ những khoản đề xuất chi tiêu mà ông xem là không cần thiết.

Số lượng nhân viên được phép di chuyển trong các sự kiện đã bị cắt giảm để tránh tình trạng mà một quan chức chiến dịch mô tả là giống như “tài trợ” cho nhân viên “đi nghỉ ngơi”.

Các chuyến đi bằng chuyên cơ Không Lực Một để vận động tranh cử cũng bị cắt giảm vì chiến dịch của ông Trump phải chi trả khoản này.

Ông Stepien cũng thừa nhận “điều quan trọng nhất tôi làm mỗi ngày là chú ý vào ngân sách”. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là chiến dịch của ông Trump đã giảm ngân sách chi cho quảng cáo truyền hình hồi tháng 8. Trong 2 tuần cuối tháng 8, phía ông Trump chi 4,8 triệu USD, trong khi chiến dịch của ông Biden chi 35,9 triệu USD.

Ngoài ra, ông Biden cũng đang sử dụng “chiến lược tầng hầm” khi ông chú trọng vào các bài phát biểu được phát trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ nền tảng trực tuyến, ông Biden đã thu hút được một lượng lớn nhà tài trợ. Chi phí cho các buổi phát sóng gần như bằng 0, trong khi số tiền thu về có thể đạt hàng triệu USD.

Theo các trợ lý, ông Trump gần như từ chối hoàn toàn hình thức này vì ông không thích chúng.