Chiến dịch 36 giờ “nghẹt thở” bắt giữ ông chủ WikiLeaks
(Dân trí) - Giới chức Ecuador chỉ thở phào nhẹ nhõm sau khi cảnh sát Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange khỏi đại sứ quán ở London mà không gặp trở ngại gì vào sáng 11/4 bởi trước đó vị khách lưu trú suốt 7 năm tại đại sứ quán dọa kích hoạt thiết bị gây thiệt hại lớn cho Ecuador nếu bị trục xuất.
Tại thủ đô Ecuador hồi đầu tuần này, các trợ lý của Tổng thống Lenin Moreno tỏ ra vô cùng sốt ruột chờ đợi một chiến dịch vào nửa đêm và sẽ sớm trở thành chủ đề nóng phủ khắp các mặt báo, hãng truyền thông trên thế giới: Bắt ông chủ WikiLeaks Julian Assange trong đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London (Anh).
Chiến dịch 36 giờ
Sau gần 7 năm lưu trú trong đại sứ quán Ecuador ở London, hacker người Australia không còn được chào đón ở đây bởi hàng loạt hành động gây phiền toái như trượt ván lúc nửa đêm, quấy rối nhân viên đại sứ quán, bôi chất thải lên tường, New York Times dẫn lời giới chức Ecuador cho biết.
Tổng thống Moreno cuối cùng quyết định trục xuất ông Assange khỏi đại sứ quán sau khi nghe phong thanh việc WikiLeaks có ý định tống tiền ông bằng việc công bố hàng loạt thông tin mật, một quan chức Ecuador giấu tên cho biết.
Sau khi đưa ra quyết định cuối cùng vào chiều thứ Ba (9/4), Tổng thống Moreno đã rất giận dữ chỉ thị cho các trợ lý của mình phối hợp với Đại sứ Anh ở Ecuador Katherine Ward để tạo điều kiện cho một chiến dịch đột kích bắt giữ ông chủ WikiLeaks trong vòng 36 giờ. Phía Anh đề nghị có thêm thời gian cho chiến dịch này, song ông Moreno vẫn quả quyết phải trục xuất thật nhanh chóng ông Assange khỏi đại sứ quán và ông không muốn thông tin về chiến dịch bị rò rỉ.
“Tổng thống là người rất điềm đạm, nhưng một khi ông ấy đã tức giận, ông ấy sẽ rất dứt khoát”, một quan chức Ecuador nói.
Đêm 10/4, rạng sáng 11/4, nhóm 5 trợ lý của ông Moreno đã tập trung tại một căn nhà ở thủ đô Quito chờ tin từ chiến dịch.
Khi mà hầu hết người dân Ecuador đã chìm vào giấc ngủ, các trợ lý của Tổng thống Moreno lại lo lắng chờ đợi chiến dịch bắt giữ đó. Đến 4 giờ sáng ngày 11/4, khi hạn chót 36 giờ đã đến, họ vẫn không nghe thấy tin tức gì. “Chúng tôi chỉ biết chờ đợi và lo sợ điều gì đó không ổn. Cuối cùng chúng tôi nhận được cuộc gọi”, một quan chức cho biết.
Đó là cuộc gọi của Đại sứ Ecuador tại Anh Jaime Marchan để thông báo ông Assange đã bị cảnh sát Anh đưa ra khỏi đại sứ quán ở Ecuador như kế hoạch. Họ đã rất vui mừng và gọi điện thông báo lại tin tức này cho Tổng thống Moreno.
Theo người trong cuộc, Đại sứ Marchan đã gọi ông Assange đến văn phòng của ông và tại đó ông đã đọc quyết định của chính phủ Ecuador về quyết định trục xuất chủ nhân WikiLeaks khỏi đại sứ quán. Ngay sau đó, các sỹ quan cảnh sát Anh đã vào và áp giải ông Assange đi.
Chỉ đến lúc này giới chức Ecuador mới thở phào nhẹ nhõm bởi vài tháng trước đó ông Assange đe dọa kích hoạt một thiết bị có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho đại sứ quán Ecuador nếu bị trục xuất.
Trong một bài phát biểu ngay sau đó, Tổng thống Moreno nói: “Chúng ta đã chấm dứt cơ chế tị nạn cho kẻ ngạo mạn này”.
Vị khách phiền toái
Ecuador dưới thời cựu Tổng thống Rafael Correa cho phép ông chủ WikiLeaks tị nạn chính trị trong đại sứ quán của họ ở London từ tháng 8/2012 khi ông Assange tìm cách tránh nguy cơ bị dẫn độ và đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục ở Thụy Điển và truy cập trái phép hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ.
Một ngày mùa hè năm 2012, Assange chuyển vào sinh sống tại tòa nhà đại sứ quán Ecuador nằm cạnh khu mua sắm Harrods. Một căn phòng ở góc tòa nhà đã được chuyển đổi thành một phóng ngủ và là nơi lưu trú suốt gần 7 năm qua của ông chủ WikiLeaks - một nơi đủ an toàn để ông Assange tránh khỏi vòng lao lý, song cũng không ít người ví cuộc sống của Assange ở đó như “tù giam lỏng”.
Sở dĩ cựu Tổng thống Rafael Correa cho phép ông Assange lưu trú trong đại sứ quán vì coi ông là một Robin Hood trong kỷ nguyên số để phơi bày “góc khuất” của những chính phủ và tập đoàn lớn. Tuy nhiên, khi Tổng thống Moreno nhậm chức vào năm 2017, "thời kỳ trăng mật" với ông Assange cũng chấm dứt. Mọi việc bắt đầu khi ông chủ WikiLeaks chế giễu một ứng viên tổng thống thất bại vì người này đe dọa trục xuất ông.
Một quan chức cấp cao Ecuador cho biết, nhiều năm qua, căn phòng của Assange trong đại sứ quán ở London trở thành “một lãnh thổ có chủ quyền trong một lãnh thổ có chủ quyền” mà không một nhân viên nào ở đó có thể bước vào.
Các nhân viên đại sứ quán không ít lần phàn nàn vị khách “bốc mùi” vì lười tắm, hay mở nhạc quá lớn bất kể ngày hay đêm, hay chỉ mặc đồ lót đi lại bên trong đại sứ quán, thậm chí bôi chất thải lên tường.
Tuy nhiên, trong dòng tweet hôm 12/4, WikiLeaks đã bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng đây là một phần trong kế hoạch truyền thông của Anh và Ecuador nhằm chống lại Assange.
Trong một diễn biến liên quan khác, giới chức Ecuador cho biết, họ đã phải bỏ ra hơn 6 triệu USD để trang trải chi phí an ninh và các chi phí khác cho ông Assange trong gần 7 năm lưu lại đại sứ quán.
Minh Phương
Theo New York Times