1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Julian Assange - câu trả lời cho “nghi án” Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Nếu Assange tiết lộ ai trao tài liệu của DNC cho WikiLeaks thì vấn đề có hay không việc "Nga can thiệp bầu cử Mỹ" sẽ kết thúc

Ngày 11/ 4, người sáng lập WiliLeaks đã bị bắt tại Đại sứ quán Ecuador tại London sau khi bị tước quyền tị nạn và hủy quốc tịch Ecuador. Bài viết của nhà báo Ekaterina Blinova đăng trên Sputnik, phân tích những lợi ích mà chính quyền của Tổng thống Trump có thể đạt được từ vụ việc này.

Julian Assange - câu trả lời cho “nghi án” Nga can thiệp bầu cử Mỹ - 1

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange (Ảnh: Reuters) 

Julian Assange chính là người có thể tiết lộ ai là người đã trao tài liệu của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) cho WikiLeaks vào năm 2016, từ đó có thể kết luận vấn đề "can thiệp của Nga" một lần và kết thúc. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là liệu Tổng thống Donald Trump có ngăn chặn khả năng tiết lộ bí ẩn này trong trường hợp Assange bị dẫn độ sang Mỹ hay không.

"Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra", Adam Garrie, một nhà phân tích địa chính trị và là Giám đốc của Eurasia Future, nói với Sputnik. "Bộ phận tư pháp của ông Trump có thể nỗ lực đạt được một thỏa thuận bào chữa đối với Assange. Về cơ bản, nếu Assange từ bỏ nguyên tắc của mình là không bao giờ tiết lộ các nguồn Wikileaks để đổi lấy sự khoan hồng hoặc ân xá, có lẽ ông Trump và bộ phận tư pháp sẽ đạt được một thỏa thuận".

Vụ rò rỉ hàng ngàn email của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC), xảy ra vào tháng 6-7/2016, vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Đến ngày 13/7/2018 Cố vấn điều tra đặc biệt Robert Mueller đã truy tố 12 cá nhân người Nga với cáo buộc phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công (hack) máy chủ DNC. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2017 của Chuyên gia Tình báo Cựu chiến binh (VIPS) chỉ ra rằng dữ liệu nói trên rất có thể được sao chép vào ổ nhớ cầm tay hoặc thiết bị lưu trữ như một phần của công việc nội bộ chứ không phải do tin tặc từ bên ngoài. Nhân viên 27 tuổi của DNC Seth Rich, người bị bắn chết tại Washington DC vào ngày 10/7/2016, bị đồn đoán là người đứng sau vụ rò rỉ email của DNC.

Vẫn chưa rõ liệu Assange có tiết lộ nguồn tin hay không, Garrie lưu ý: "Chelsea Manning quay trở lại nhà tù vì từ chối làm chứng cho các vấn đề có thể làm tổn hại mối quan hệ của cô với Assange. Như vậy, thật khó mà tưởng tượng được rằng Assange có thể tiết lộ nguồn tin của mình đối với vụ rò rỉ email DNC ngay cả khi bị ép buộc".

Chelsea Elizabeth Manning là một quân nhân, từng bị nghi ngờ và bị bắt vì cung cấp các thông tin bí mật trái phép của quân đội Mỹ.

"Tuy nhiên, Assange đã thể hiện rõ rằng, không phải chính phủ Nga đã cung cấp cho ông ta các email của DNC", Giám đốc Eurasia Future phân tích: "Tương tự như vậy, nhiều người đã giả thiết rằng nhân viên DNC Seth Rich đã bị bắn chết chính là cá nhân đã chuyển các email đó cho Wikileaks. Nếu đây là sự thật thì rất có thể Assange sẽ cung cấp thông tin đó cho Nhà Trắng để đổi lấy sự tự do cho mình. Nhưng điều đó không đủ thuyết phục trong thời điểm này, một giả thiết như vậy chỉ là dựa trên suy đoán mà thôi".

Hillary Clinton từ lâu đã tìm cách khiến Assange phải im lặng

Theo Garrie, "nhiều thành phần ở Mỹ và các cơ quan chính phủ và cơ quan tình báo từ lâu đã tìm cách khiến Assange phải im lặng để có thể công bố và báo cáo theo cách cần thiết".

"Hillary Clinton từng tuyên bố rằng bà sẽ rất vui nếu Assange bị ám sát bằng máy bay quân sự. Nhiều chính trị gia hàng đầu khác của Mỹ, các nhân viên chính phủ và những người ủng hộ chính phủ cũng công khai tuyên bố mong muốn được nhìn thấy Assange im lặng hoặc bị giết", nhà phân tích địa chính trị nói.

Tháng 10/2016, True Pundit đã tiết lộ gây sốc khi cáo buộc bà Hillary Clinton có ý đồ “trừ khử” người sáng lập WikiLeaks sau vụ rò rỉ email DNC. Theo các phương tiện truyền thông, khi đó ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã hỏi: "Chúng ta không thể dùng máy bay không người lái để trừ khử gã này sao?"

Vài giờ sau khi Assange bị bắt vào ngày 11/4/2019, Hillary Clinton tuyên bố rằng ông ta phải "trả giá cho những gì mình đã làm".

Trong bối cảnh cuộc đấu trí diễn ra giữa những người ủng hộ và những kẻ phản đối Tổng thống ở Washington, câu hỏi được đặt ra là liệu vụ bắt giữ người sáng lập WikiLeaks có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp tới ở Mỹ hay không?

"Xét về thời điểm, vụ việc có liên quan đến chính trị của nước Anh nhiều hơn là cuộc bầu cử vẫn còn xa của Mỹ", Garrie nói. "Vụ này không phải chỉ bởi một số người ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất lại cũng ủng hộ Assange, mà thực tế là vụ bắt giữ Assange trong Đại sứ quán Ecuador ở London diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Anh Theresa May thất bại với thỏa thuận Brexit".

"Như vậy, tất cả phóng viên báo chí đang chuẩn bị để phỏng vấn bà May với một danh sách dài các câu hỏi, thì thay vào đó là thảo luận về Julian Assange và Wikileaks", ông Garrie nói.

Khả năng dẫn độ Assange và 'Hoán đổi tù nhân'

Nhận xét về tuyên bố của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno rằng Julian Assange đã sử dụng Đại sứ quán Ecuador ở London làm "trung tâm gián điệp", Garrie cho rằng những nhận xét này "nên được công nhận như những gì thực tế, bởi bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi”.

"Những gì đang xảy ra hôm nay với những lời buộc tội đối với Julian Assange nên được xem xét trong cùng cách đánh giá”- ông Garria nhận định.

Nhà phân tích địa chính trị cho rằng nếu một "quốc gia hùng mạnh" trao quyền công dân cho Julian Assange, việc hoán đổi tù nhân sẽ là một cách khả thi để ngăn chặn Assange bị dẫn độ sang Mỹ.

"Có một số quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu có thể quan tâm đến việc trao đổi tù nhân với Mỹ. Tuy nhiên, dựa trên những diễn biến gần đây, Nga là ứng cử viên tiềm năng nhất"- nhà phân tích nhận định.

Ông Garrie cũng nhắc nhớ lại rằng chính Nga đã xin tị nạn cho “người thổi còi”, cựu nhân viên an ninh NSA Edward Snowden, người "vẫn đang sống ở Nga”.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Mỹ đang xuống ở mức rất thấp như hiện nay và ngày càng tồi tệ, khó có thể giả định rằng Nga muốn mạo hiểm làm trầm trọng thêm nếu can thiệp vấn đề Assange, ngay cả khi với ý định sơ khai là vì mục đích nhân đạo", nhà phân tích địa chính trị kết luận.

Theo Bích Đào

VOV

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm