1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lý do Ecuador cho phép Anh bắt ông chủ WikiLeaks

(Dân trí) - Sau vụ việc Ecuador rút quy chế cho phép tị nạn đối với Julian Assange, động thái khiến ông chủ WikiLeaks bị cảnh sát Anh bắt giữ sau 7 năm lẩn trốn, giới quan sát đã có những nhận định về nguyên nhân mà Ecuador đưa ra quyết định này.

Lý do Ecuador cho phép Anh bắt ông chủ WikiLeaks - 1

Ông Assange giơ ngón tay cái trên đường bị áp giải tới tòa án ở Westminster, Anh (Ảnh: Reuters)

Cảnh sát Anh ngày 11/4 xác nhận họ đã bắt Julian Assange, 47 tuổi, tại Đại sứ quán Ecuador ở London sau khi nhận được sự chấp thuận từ quốc gia Nam Mỹ không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Ecuador Lenin Moreno rút quy chế cho phép tị nạn đối với ông chủ WikiLeaks.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tư pháp Anh, ông Assange bị cáo buộc cấu kết với cựu quan chức phân tích tình báo của lục quân Mỹ Chelsea Manning thực hiện hành vi xâm nhập máy tính và lấy cắp dữ liệu mật của Mỹ. Ông có thể đối mặt với an tù 5 năm tại Mỹ nếu bị kết tội.

Trước đó, phía công tố Mỹ tin rằng, cô Manning đã giao cho ông Assange một phần mật khẩu được lưu trữ trong máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong nhiều năm qua, WikiLeaks đã tiết lộ hàng loạt tin mật của chính phủ, quân đội Mỹ, đảng Dân chủ…

Trong thông báo ngày 11/4, Tổng thống Moreno cho biết Ecuador đưa ra quyết định rút quy chế tị nạn là hành động tuân thủ theo luật quốc tế. Ông Moreno cáo buộc ông Assange, người đã được cựu Tổng thống Rafael Correa cho phép tị nạn năm 2012, đã vi phạm các quy tắc khi vẫn tiếp tục làm việc khi ở trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh.

Tuyên bố của ông Moreno đi ngược lại sự ủng hộ của chính phủ ông Correa dành cho ông Assange năm 2012.

Lý do Ecuador cho phép Anh bắt ông chủ WikiLeaks - 2

Tổng thống Moreno (trái) và cựu Tổng thống Correa (Ảnh: Reuters)

Theo Washington Post, sự thay đổi trong quan điểm của chính quyền Ecuador dường như xảy ra tương ứng với các sự kiện diễn ra trong suốt 9 năm qua.

Năm 2010, WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu mật của Mỹ. Cùng năm đó, Thụy Điển ban hành lệnh bắt giữ ông Assange nhằm xét xử 2 cáo buộc liên quan tới xâm hại tình dục, điều mà ông chủ WikiLeaks đã mạnh mẽ bác bỏ, đồng thời cáo buộc ngược lại rằng đây có thể là động thái nhằm dẫn độ ông về Mỹ. Tháng 12/2010, cảnh sát Anh bắt ông Assange nhưng cho ông tại ngoại nhờ bảo lãnh.

Tới năm 2011, phong trào phản đối Mỹ ở một số nước Mỹ Latin phát triển mạnh mẽ. Cựu Tổng thống Correa thậm chí yêu cầu đại sứ Mỹ rời Ecuador, động thái khiến quan hệ giữa 2 nước xấu đi. Điều này tạo nên tiền đề khiến Ecuador ban hành quy chế tị nạn cho ông Assange vào năm 2012.

Vào tháng 8 năm đó, ông Assange yêu cầu Mỹ dừng “cuộc đi săn phù thủy chống lại WikiLeaks”. 

Cho tới năm 2017, giám đốc CIA Mike Pompeo, người hiện là Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc lại vụ việc, cáo buộc WikiLeaks là “tổ chức tình báo thù địch phi nhà nước” và là mối đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. Một tháng sau đó, Thụy Điển đã hủy bỏ cáo buộc mắc tội tình dục với ông Assange.

Tháng 5/2017, cựu Phó Tổng thống của ông Correa, ông Moreno, trở thành Tổng thống mới của Ecuador. Theo Washington Post, nhằm định vị hình ảnh của bản thân là một chính trị gia trung hòa, khác với khuynh hướng cực tả của ông Correa, ông Moreno muốn xây dựng lại quan hệ kinh tế và chính trị với Mỹ.

Tới tháng 3/2018, quan hệ giữa ông Assange và Ecuador đã trở nên xấu đi khi Ecuador ngắt kết nối Internet của ông chủ WikiLeaks vì cho rằng ông vẫn đang tiếp tục làm việc tại tổ chức này. Ecuador cho rằng động thái này sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ tại châu Âu và Bắc Mỹ, ảnh hưởng tới chiến lược mà ông Moreno đang theo đuổi.

Lý do Ecuador cho phép Anh bắt ông chủ WikiLeaks - 3

Quan hệ Mỹ và Ecuador đã được cải thiện kể từ sau khi ông Moreno lên nhậm chức năm 2017. Trong ảnh: Ông Pence (bên trái) bàn bạc với ông Moreno trong chuyến thăm chính thức năm ngoái (Ảnh: Reuters)

Tháng 6/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm Ecuador, dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn gắn kết lại quan hệ với quốc gia Nam Mỹ. Hai nước đã thảo luận về các thương vụ vũ khí lớn, hoạt động diễn tập quân sự chung và vấn đề chia sẻ thông tin tình báo.

Đến cuối năm ngoái, Đại sứ quán Ecuador đã ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn với ông Assange, bao gồm việc yêu cầu ông phải tự chăm sóc con mèo của ông. Ông chủ WikiLeaks cũng phải hỏi xin phép khi có người tới thăm và phải tự chịu trách nhiệm với đồ ăn và việc giặt là quần áo.

Tới đầu năm nay, WikiLeaks đã chỉ trích chính quyền ông Moreno với các vấn đề liên quan tới điều kiện sống của ông Assange, cũng như cáo buộc Ecuador theo dõi ông chủ Wikileaks và các luật sư của ông. Căng thẳng giữa Ecuador và WikiLeaks đã leo thang kể từ lúc này. Washington Post cho rằng đây là một yếu tố dẫn tới quyết định của ông Moreno. 

Ngoài ra, hãng tin RT cho rằng sự thay đổi chính sách ngoại giao và kinh tế của chính quyền ông Moreno hướng về Mỹ dường như một trong những là nguyên nhân khiến Ecuador rút quyền tị nạn của ông chủ WikiLeaks.

Đức Hoàng

Tổng hợp