1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiếm biển kiểu Trung Quốc

Trong lịch sử, các nước tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng việc hối lộ, kiện tụng, áp chế hay dùng vũ lực. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước muốn thống trị đại dương thì không có nước nào cố gắng chiếm lĩnh biển làm của riêng.

TQ đã biến bãi ngầm thành hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa (ảnh: scmp)
TQ đã biến bãi ngầm thành hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa (ảnh: scmp)

Nhưng đó là những gì TQ đang tích cực làm ở vùng biển phía nam đại lục - Biển Đông. Từng bước một, họ đang thiết lập quyền bá chủ ở vùng biển quan trọng bậc nhất thế giới này, bất chấp nhiều nước khác như Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền.

Biển Đông có vị trí chiến lược và tầm quan trọng lớn: những lộ trình hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, những bãi cá phong phú, đáy đại dương với trữ lượng dầu khí lớn. Và, TQ muốn tất cả.

Không lâu trước đây, TQ đưa ra yêu sách chủ quyền với phần lớn vùng biển thông qua cái gọi là bản đồ 9 đoạn, bản đồ hình chữ U hay đường lưỡi bò bao trùm phần lớn vùng biển cùng các đảo. Bản đồ 9 đoạn được coi là kế hoạch chi tiết nhất, khiêu khích nhất cho toan tính chiếm biển của TQ.

Cơ chế chiếm biển của TQ tại một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới là kiểm soát ba quần đảo chính tại Biển Đông cùng một số nhóm đảo nhỏ hơn. Rất ít đảo trong số này có người ở. Một số đảo thường xuyên chìm trong nước biển, và chỉ nhô lên lúc thủy triều xuống thấp.

Nếu TQ có thể tuyên bố chủ quyền với các nhóm đảo này, họ có thể sử dụng chúng để mở rộng bá quyền sang các khu vực lân cận. Đầu tiên có thể là tuyên bố chủ quyền với 12 hải lý lãnh hải xung quanh mỗi tính năng đất, và cũng có thể tuyên bố chủ quyền với một vùng kinh tế 200 hải lý liên quan. Từ đó, TQ có thể nối kết các điểm đảo và chiếm lấy phần lớn Biển Đông.

TQ đang tiến hành cải tạo đất - đúng hơn là làm đảo nhân tạo - ở quần đảo Trường Sa. Một hòn đảo nhân tạo lớn, có thể có sân bay sẽ được sử dụng cho các hoạt động trên không và trên biển theo như tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ. Tuy nhiên, các nước tuyên bố chủ quyền khác trong vùng biển không cho là như vậy. Mỹ cũng yêu cầu TQ ngừng dự án cải tạo đảo.

Trong chiến lược chiếm biển, TQ vừa lén lút, vừa công khai. Họ gia tăng thương mại với các nước tuyên bố chủ quyền, trong một số trường hợp thậm chí có đóng góp to lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng nước bản địa, dĩ nhiên không phải ở Biển Đông. Trong các hoạt động khiêu khích hàng hải, họ khá thận trọng khi sử dụng lực lượng cảnh sát biển chứ không phải hải quân, dần dần chiếm lĩnh các quần đảo và hướng tới độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

TQ sáp nhập dần dần bất kỳ thứ gì họ muốn, lặng lẽ xâm lấn nhưng không ngừng nghỉ. Đây là cách thức hoạt động của TQ ở Đông Nam Á, châu Phi và những nơi khác. Nó vòng thít nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh, giống như con mãng xà có thể gây chết người.

Đông Nam Á đang tăng cường rào giậu, nhưng lực lượng hải quân TQ còn phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, TQ có tiền và người để làm điều họ muốn. Trục xoay châu Á của Mỹ chưa đủ trấn an các láng giềng TQ. Có thể làm gì khi TQ chiếm một số đảo tưởng như vô dụng, rồi sau đó là cả một vùng biển?

Khái niệm cổ xưa về đại dương là "của chung" đang bị đe dọa - nhất là ở vùng biển nơi con rồng TQ đang phô diễn sức mạnh.

Theo Thái An/Huffingtonpost
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm