1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Chiếc ô" an ninh THAAD

Sau 5 tháng tham vấn, ngày 8-7 vừa qua, Seoul và Washington thông báo đã nhất trí triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Quyết định này ngay lập tức vấp phải phản ứng của các nước như Trung Quốc và Nga với lý do radar của THAAD có thể xác định vị trí tên lửa bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên.

“Lá chắn” bất khả xâm phạm

Mỹ và Hàn Quốc từng đề cập tới việc triển khai một hệ thống THAAD tại Hàn Quốc từ tháng 10 năm ngoái khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có chuyến thăm Nhà Trắng. Đến tháng 2-2016, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân lần thứ tư, các cuộc đàm phán về THAAD giữa Hàn Quốc và Mỹ được thúc đẩy nhanh hơn.

Hai bên đã tiến hành các cuộc tham vấn xem xét việc có triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc hay không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của liên minh Hàn - Mỹ để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Và đến ngày 8-7 vừa qua, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai một hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hai bên đã quyết định triển khai THAAD “như một phần của các biện pháp phòng thủ nhằm bảo vệ các lực lượng quân sự của liên minh Hàn - Mỹ và bảo đảm an ninh của Hàn Quốc và người dân trước các mối đe dọa hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ để triển khai THAAD ngay khi có thể”.

Tên lửa đánh chặn được phóng lên từ hệ thống THAAD của Mỹ. Ảnh: Lockheedmartin.com.
Tên lửa đánh chặn được phóng lên từ hệ thống THAAD của Mỹ. Ảnh: Lockheedmartin.com.

THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa độ chính xác cao, có khả năng chống lại các mối đe dọa trên toàn thế giới với khả năng di động và các đơn vị chiến lược.

Ý tưởng về hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD được đưa ra vào năm 1987, nhưng phải đến tháng 9-1992, quân đội Mỹ mới quyết định chọn Lockheed Martin là nhà thầu chính chịu trách nhiệm nghiên cứu và sản xuất THAAD. Hệ thống tên lửa này được thử nghiệm lần đầu tiên vào 4-1995 và chính thức vào biên chế quân đội Mỹ năm 2008.

Giống như hệ thống chống tên lửa Patriot, THAAD được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo đang trong giai đoạn cuối của hành trình. Tuy nhiên, nó được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu ở tầm cao, tạo cho hệ thống này khả năng phòng thủ lớn hơn.

Theo trang mạng www.lockheedmartin.com, mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật TOC.

THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn truy đuổi - tiêu diệt tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy tìm mục tiêu.

Kể từ khi Mỹ bắt đầu chương trình thử nghiệm này vào năm 2005, THADD đã có 12 lần bay thử thành công và cũng có những lần thất bại. Ngày 5-10-2011, Lầu Năm Góc thông báo đã đánh chặn thành công hai tên lửa đạn đạo trong một cuộc thử nghiệm hệ thống THAAD ở ngoài khơi Hawaii. Đây là vụ thử nghiệm tác chiến đầu tiên của hệ thống này nhằm đánh chặn tên lửa ở tầm cao trong giai đoạn bay cuối cùng.

Cơ quan phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc cho biết, cùng với Aegis, Patriot PAC-3, THAAD đã tạo nên hệ thống đánh chặn ba tầng. Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.

Mối quan ngại của các nước láng giềng

Phản ứng trước việc Hàn Quốc và Mỹ nhất trí triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, Nhật Bản ủng hộ quyết định của Hàn Quốc và Mỹ triển khai THAAD vì việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước này góp phần vào hòa bình và ổn định của khu vực.

Ngày 11-7, quân đội Triều Tiên cảnh báo sẽ có hành động đối phó với việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Quân đội Triều Tiên tuyên bố, sẽ thực hiện hành động ngay khi Hàn Quốc và Mỹ quyết định địa điểm triển khai THAAD. Tuyên bố cũng cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả "tự hủy diệt thảm khốc" khi triển khai THAAD.

Đây là phản ứng đầu tiên của Triều Tiên đối với việc Hàn Quốc và Mỹ ngày 8-7 quyết định triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, nơi hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga, hai nước láng giềng của Hàn Quốc, cũng bày tỏ quan ngại về việc triển khai THAAD trên Bán đảo Triều Tiên do radar của nó có thể xác định vị trí tên lửa bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên. Mátxcơva nhấn mạnh, việc Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc sẽ gây ra những hậu quả không thể bù đắp được.

Để đáp trả hành động trên của Mỹ và Hàn Quốc, Ủy ban Vũ trang thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 8-7 cảnh báo rằng, các đơn vị tên lửa có khả năng sẽ được triển khai ở miền Đông nước này nhằm đối phó với việc Mỹ triển khai Hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Mátxcơva cũng bày tỏ hy vọng "các đối tác sẽ tránh có bất kỳ hành động nào có thể gây ra những hậu quả không thể bù đắp được".

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân