1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu thúc đẩy vai trò của Trung Quốc trong kiến tạo hòa bình cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi để tìm giải pháp cho cuộc chiến kéo dài tại Ukraine, trong đó chú trọng nỗ lực thúc đẩy vai trò của Trung Quốc.

Châu Âu thúc đẩy vai trò của Trung Quốc trong kiến tạo hòa bình cho Ukraine  - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022 (Ảnh: THX).

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang liên tục có các chuyến thăm Trung Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa các tuyên bố của Bắc Kinh về vai trò "kiến tạo hòa bình" của nước này trong vấn đề Ukraine, cũng như gây sức ép với Trung Quốc trong quan hệ với Nga.

Trong tuần này, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuần tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng có các cuộc gặp tương tự.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng sẽ đến Bắc Kinh, có thể là trên đường tới dự hội nghị ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản vào ngày 16/4, để "đối thoại chiến lược" với người đồng cấp Tần Cương.

Ưu tiên số một của các chuyến đi đến Trung Quốc lần này là sẽ cố gắng thuyết phục Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga, trong bối cảnh các nước châu Âu lo ngại rằng một động thái như vậy có thể châm ngòi cho Thế chiến III.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đang là vấn đề nóng trong các cuộc thảo luận trên toàn cầu, và đã được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU khi chiến sự leo thang đáng lo ngại.

Các nhà lãnh đạo Tây Âu cho rằng, nếu Trung Quốc có tác động quân sự tới xung đột Nga - Ukraine sẽ vĩnh viễn làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho Moscow, đồng thời cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến NATO và Mỹ.

Trong các cuộc thảo luận riêng, các nhà lãnh đạo EU cũng muốn nhấn mạnh rằng nếu phương Tây không có động thái gây áp lực nào trong vấn đề vũ khí, Bắc Kinh có thể sẽ cung cấp vũ khí cho Nga.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết khi đến Bắc Kinh, lãnh đạo các nước châu Âu cũng muốn đánh giá liệu Trung Quốc có nghiêm túc trong việc hỗ trợ các nỗ lực hòa bình ở Ukraine hay không.

Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao hình ảnh của nước này với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu, đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên, hồi tháng 2, kế hoạch hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đề xuất đã bị phương Tây bác bỏ và đánh giá là "có lợi cho Nga".

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc, nhưng sẽ xem xét chúng trong bối cảnh Trung Quốc đứng về phía nào", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết.

Tuy nhiên, ngôn từ của các nhà lãnh đạo EU đã nhẹ nhàng trong những tuần gần đây. Các nhà ngoại giao giờ đây nói rằng, kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho Ukraine này là "thiếu sót" chứ không phải là "hoàn toàn lãng phí thời gian". Họ chỉ ra thực tế rằng, Ukraine đã không hoàn toàn bác bỏ nó, và có một số điểm trùng lặp với tầm nhìn của chính Kiev về việc chấm dứt chiến tranh.

Chính Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky cũng vậy. "Tôi tin rằng việc Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine không phải là điều xấu. Nhưng câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra sau đó", ông Zelensky nói với phóng viên sau khi Trung Quốc công bố đề xuất hòa bình. "Tôi nghĩ rằng một số đề xuất của Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tôi nghĩ chúng ta có thể làm việc với người Trung Quốc... Chúng tôi muốn có cuộc gặp với phía Trung Quốc", ông nói thêm.

Hôm 22/3, Ukraine thông báo đã chuyển kế hoạch hòa bình tới Trung Quốc một cách công khai và qua các kênh ngoại giao cũng như đang chờ đối thoại. Vì vậy, sau chuyến công du được chú ý đến Moscow vào tuần trước, sự chú ý đang tập trung vào việc liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp nào với nhà lãnh đạo Ukraine hay không.

Lo ngại của phương Tây

Đã có những lo ngại rằng, việc tiếp tục chỉ trích kế hoạch hòa bình của Trung Quốc sẽ đẩy Bắc Kinh đến gần hơn với Moscow, và cũng khiến các nước đang mong muốn chung tay giúp chấm dứt chiến sự ở Ukraine nản chí.

"Một số nhân vật ở EU dường như đang tính toán rằng châu Âu sẽ không thu được nhiều lợi ích nếu mạnh mẽ bác bỏ lập trường của Trung Quốc", chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, ông Grzegorz Stec cho biết.

Theo chuyên gia này, tính toán đó có thể xuất phát từ mong muốn tạo bối cảnh tích cực cho việc mở lại kênh ngoại giao với Trung Quốc hoặc để cho các đối tác khác thấy rằng, EU đang thực hiện nghiêm túc tất cả các đề xuất hòa bình, ngay cả khi trên thực tế là khối này không tin vào triển vọng hòa giải của Bắc Kinh.

Miguel Otero, một nhà phân tích cấp cao chuyên về Trung Quốc tại Viện Hoàng gia Elcano ở Madrid (Tây Ban Nha), cho biết tại Đối thoại Raisina hồi tháng 2 ở New Delhi, các quan chức Ấn Độ đã khiến các đối tác châu Âu lo lắng vì không đưa ra được ý kiến phản đối kế hoạch của Trung Quốc.

"Nhận thức của Ấn Độ là, nếu kế hoạch của Trung Quốc không hữu ích, và có nhiều nước châu Âu bác bỏ thì liệu có kế hoạch nào tốt hơn không", ông Otero nói. "Điều này đặt châu Âu vào một tình huống khó xử".

Vai trò của Trung Quốc trong việc làm trung gian hòa giải nối lại quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Iran là một bước đột phá khiến nhiều quan chức EU ngạc nhiên, và hiện nay có một số người muốn thử thách năng lực hòa giải của Bắc Kinh. 

Khi các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên EU đề cập đến chủ đề trên tại một hội nghị thượng đỉnh kín vào tuần trước, các nhà lãnh đạo không đi đến thống nhất nên điều chỉnh chính sách kinh tế của mình đối với Bắc Kinh trong một thế giới đang chuyển động nhanh như vậy.

Về mặt kinh tế, một số người cho rằng nên tập trung vào việc "giảm thiểu rủi ro" cho chuỗi cung ứng châu Âu đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, từ hàng hóa từ tấm pin mặt trời đến khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez có thể sẽ ký một loạt thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc trong chuyến thăm sắp tới nhằm củng cố hơn nữa nền kinh tế riêng của từng quốc gia.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm