1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nêu khả năng Trung Quốc làm trung gian hòa giải xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Những động thái gần đây của Trung Quốc đã mở ra cơ hội giải quyết hòa bình cuộc xung đột Nga - Ukraine với vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh.

Chuyên gia nêu khả năng Trung Quốc làm trung gian hòa giải xung đột Ukraine - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Thông cáo của Điện Kremlin ngày 17/3 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Nga trong 3 ngày từ 20-22/3 tới. Theo thông cáo, trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận "các khía cạnh thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện". Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ bàn về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm và hai bên sẽ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng vào dịp này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng xác nhận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Nga. Ông Uông cho biết chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác thiết thực giữa Nga và Trung Quốc. Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm sắp tới, ông Tập sẽ có cuộc thảo luận chi tiết với ông Putin về "các vấn đề toàn cầu và khu vực cấp bách nhất".

Báo Wall Street Journal đầu tuần này cũng đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau chuyến thăm Nga. Tổng thống Zelensky cho biết ông muốn gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận về tình hình ở Ukraine cũng như quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Các động thái này diễn ra vài tuần sau khi Trung Quốc đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia châu Âu.

Nỗ lực trung gian hòa giải của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể đang nỗ lực đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán sau hơn một năm xung đột.

Theo Reuters, Trung Quốc thường tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào xung đột của các nước khác, đặc biệt là những nước ở xa lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng một thỏa thuận hòa bình đạt được ở Bắc Kinh vào tuần trước giữa Ả Rập Xê Út và Iran cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện nước này như một cường quốc có trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

"Ông Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận trên trường quốc tế với tư cách là một chính trị gia có ảnh hưởng ít nhất ngang bằng với nhà lãnh đạo Mỹ", Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực làm trung gian hòa giải là một bước đi không tốn nhiều công sức nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, mặc dù khó có thể đạt được một bước đột phá nhanh chóng cho cuộc xung đột hiện nay.

Trung Quốc kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm dần leo thang, từ đó dẫn đến ngừng bắn toàn diện trong bản kế hoạch 12 điểm về "giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine". Bản kế hoạch của Trung Quốc kêu gọi bảo vệ dân thường và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng Bắc Kinh kiềm chế không chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự.

Kế hoạch của Trung Quốc nhận được sự chào đón từ cả Nga và Ukraine, trong khi Mỹ và NATO tỏ ra hoài nghi. Người phát ngôn Điện Kremlin nhận định nội dung chi tiết của kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất cần được phân tích kỹ lưỡng, tính toán đến lợi ích của cả hai bên và đây là một "quá trình lâu dài và căng thẳng".

Mỹ cho biết Trung Quốc công khai thể hiện nước này là một bên trung lập và tìm kiếm hòa bình, nhưng đồng thời xem xét cấp vũ khí cho Nga. Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Trong khi đó, NATO cho rằng Trung Quốc không có nhiều uy tín trong vai trò trung gian hòa giải về vấn đề Ukraine.

Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ khó thuyết phục được Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán như Ả Rập Xê Út và Iran, vốn có thể dễ đạt được thắng lợi ngoại giao hơn.

Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết: "Ả Rập Xê Út và Iran thực sự muốn đối thoại và cải thiện quan hệ, trong khi Nga và Ukraine thì không, ít nhất là vào lúc này".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Yun, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đóng vai trò như một kênh trung gian, bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, từng tổ chức đối thoại Nga - Ukraine vào năm ngoái nhưng không thành công. Điều này cho thấy những khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia châu Âu.

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc ở vị thế hòa giải tốt hơn Thổ Nhĩ Kỳ vì Bắc Kinh có nhiều đòn bẩy hơn đối với Nga. Trung Quốc là đồng minh hàng đầu của Nga, mua dầu của Nga, cung cấp thị trường cho hàng hóa Nga trong khi các nước phương Tây quay lưng với Bắc Kinh.

Theo Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford, Trung Quốc cũng có một số đòn bẩy đối với Ukraine, vì Kiev không muốn đánh mất cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc trong việc tái thiết đất nước. Trung Quốc đã mở rộng thương mại với Ukraine sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Nga khiến vai trò của Bắc Kinh bị phương Tây nhìn nhận với sự hoài nghi. Vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Trung Quốc và Nga đã công bố quan hệ đối tác "không giới hạn".

Andrew Small, thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, cho rằng Trung Quốc muốn được coi là bên đóng góp cho hòa bình, nhưng không sẵn sàng gây áp lực buộc Nga chấm dứt xung đột và hy sinh mối quan hệ với Moscow.

Theo Reuters, Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm