1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu phóng thành công tàu thám hiểm Sao Vệ Nữ

Ngày 9/10, từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, tên lửa đẩy Soyuz – Fregat của Nga đã phóng thành công tàu thám hiểm Sao Vệ Nữ, tức Sao Kim, của Cơ quan không gian châu Âu lên không gian.

Sau 90 phút từ lúc rời bệ phóng, tàu Venus đã vượt qua tầng khí quyển Trái đất tiếp tục hành trình về hướng Sao Vệ Nữ. Sau đó ít lâu, Trung tâm điều khiển đã nhận được tín hiệu tình trạng kỹ thuật ổn định của tàu thám hiểm Venus phát về.

 

Theo dự kiến 5 tháng nữa con tàu thám hiểm Venus sẽ được đưa vào quĩ đạo của Sao Vệ Nữ để nghiên cứu tầng khí quyển của nó trong thời gian 2 năm. Nhiệm vụ chính của tàu thám hiểm Venus là phân tích thành phần khí quyển và ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính.

 

Các nhà khoa học hy vọng tàu Venus sẽ giúp họ giải thích được cơ chế thay đổi khí hậu trên Trái đất. Tàu thám hiểm Venus sẽ bay ở độ cao thường xuyên thay đổi từ 250 km đến  66.000 km phía trên bề mặt Sao Vệ Nữ. Thông tin từ tàu thám hiểm Venus cùng với thông tin từ con tàu thám hiểm Sao Hỏa (Mars Express) sẽ làm sáng tỏ nhiều điều về sự hình thành các hành tinh Sao Vệ Nữ, Trái đất, và Sao Hỏa.

 

Sao Vệ Nữ là hành tinh có kích thước tương đương Trái đất. Nếu tính khoảng cách từ Sao Vệ Nữ đến Sao Hỏa thì Trái đất nằm ở đoạn giữa khoảng cách hai hành tinh lớn đó. Các nhà khoa học tin rằng cấu tạo của Sao Vệ Nữ tương tự như cấu tạo của Trái đất.

 

Những kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy tầng khí quyển của Sao Vệ Nữ có nhiều khí CO2. Áp suất trên bề mặt của Sao Vệ Nữ gấp 90 lần áp suất không khí trên Trái đất. Trước đây, Liên Xô từng phóng nhiều tàu thám hiểm Sao Vệ Nữ nhưng đều không thành công.

 

Theo Đ.P

Tiền phong/BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm