1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Á đối phó với làn sóng Covid-19 mới

Minh Phương

(Dân trí) - Một số nước châu Á như Singapore, Ấn Độ, Indonesia chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh gần đây do sự xuất hiện của biến thể mới.

Châu Á đối phó với làn sóng Covid-19 mới - 1

Số ca mắc Covid-19 ở Singapore và một số nước châu Á tăng nhanh trở lại (Ảnh minh họa: Straits Times).

Bloomberg dẫn số liệu của Bộ Y tế Singapore cho biết, số ca Covid-19 ở nước này tăng gần gấp đôi trong tuần cuối của tháng 3, từ xấp xỉ 14.500 ca lên 28.000 ca, cao nhất kể từ đầu năm.

Ấn Độ ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm trong ngày 13/4, cao nhất kể từ cuối tháng 8/2022. Mặc dù các bệnh viện, phòng khám tư nhân chưa chứng kiến tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, nhưng chính phủ Ấn Độ trong tuần này đã yêu cầu các đơn vị y tế diễn tập ứng phó dịch bệnh. Một loạt bang ban hành trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Trong khi đó, số người mắc Covid-19 ở Indonesia lên cao nhất 4 tháng, ở mức gần 1.000 ca/ngày. Tổng thống Joko Widodo hôm qua đã hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường thứ hai. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, với mức độ miễn dịch trong dân số hiện nay, Indonesia vẫn kiểm soát tốt tình hình.

Do đa số dân số trong khu vực đã được tiêm phòng hoặc mắc Covid-19 trước đó, hầu hết các nước châu Á đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để mở cửa kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường.

Để đối phó với đợt bùng phát dịch mới, nhiều nước trong khu vực tăng cường xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng dịch trở lại. Mặc dù vậy, giới chức y tế ở khu vực cho rằng làn sóng này chủ yếu do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - một chủng Omicron có khả năng lây lan cao nhưng đến nay vẫn chưa gây ra bệnh nghiêm trọng trên diện rộng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện ở 20 nước, trong đó có Singapore, Mỹ, Anh, Australia, nhưng chủ yếu vẫn là Ấn Độ. Đây là biến thể cần theo dõi. XBB.1.16 gây ra các triệu chứng được cho là giống với các biến thể trước đó, bao gồm sốt, khó thở và ho. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm biến chủng này có triệu chứng viêm kết mạc.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho hay XBB.1.16 có thêm một đột biến khiến nó này dễ lây nhiễm hơn.

"Biến thể này đã xuất hiện từ tháng 1. Chúng tôi chưa nhận thấy sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng ở từng cá nhân hoặc trong cộng đồng. Chúng ta đang ở trong một tình thế tốt hơn nhiều so với giai đoạn đầu bùng phát dịch. Một trong những điều không chắc chắn lớn mà chúng ta phải đối mặt trong tương lai là chính virus", bà Kerkhove nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm tăng nhanh trở lại cho thấy Covid-19 vẫn là mối lo ngại. "Chúng ta cần tiếp tục thận trọng. Khi một biến thể mới phát sinh, bạn phải tìm hiểu xem nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, gây bệnh nhiều hơn không, liệu nó có gây bệnh nhiều hơn không và điều gì sẽ xảy ra về mặt bảo vệ miễn dịch", nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick (Anh) nhấn mạnh.

Theo ông, điều này nói lên tầm quan trọng của việc giám sát bộ gen của virus, nhưng dường như nhiều nước đã mất cảnh giác.

Theo Bloomberg, Straits Times