1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Á "căng mình" với cuộc đua vắc xin lịch sử

Thành Đạt

(Dân trí) - Từ Manila tới New Delhi hay Tokyo, các nhà chức trách tại châu Á - Thái Bình Dương đã có sự chuẩn bị cẩn trọng cho chiến dịch triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 lịch sử.

Châu Á căng mình với cuộc đua vắc xin lịch sử - 1

Nhân viên y tế đo nhiệt độ của tài xế tại Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất (UAE). (Ảnh: Getty)

Trong khi một số vắc xin đã chứng minh hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, bao gồm vắc xin Pfizer-BioNTech đang được sử dụng ở Mỹ, Anh và Canada, các cơ quan chức năng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang đặt ra thời gian biểu thận trọng cho chiến dịch tiêm phòng vắc xin. Một số nước dự tính bắt đầu trong vài tuần tới, nhưng cũng có những nước đợi cho tới nửa cuối năm sau.

Tại Nhật Bản, nơi dự kiến bắt đầu tiêm vắc xin từ cuối tháng 2 năm sau, Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu thập dữ liệu về tác động của vắc xin đối với chính người Nhật, thay vì chỉ dựa vào kết quả thử nghiệm ở nước ngoài.

Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison chưa gấp rút triển khai tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech do 2 công ty của Mỹ và Đức hợp tác bào chế. Thay vào đó, Australia tiếp tục theo dõi diễn biến quá trình tiêm chủng ở Anh và Mỹ. Thủ tướng Morrison cho rằng trước khi tiến hành tiêm vắc xin, cần có "sự tin tưởng tuyệt đối" vào vắc xin đó.

Việt Nam, một trong những "tấm gương" chống dịch thành công ở châu Á, ưu tiên các nỗ lực kiểm soát vi rút và đã đăng ký mua vắc xin từ Nga và Anh.

Ngày 14/12, Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phê duyệt Pfizer-BioNTech - vắc xin đạt hiệu quả lên tới 95% trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối. Singapore bắt đầu tiêm vắc xin vào ngày 30/12, trong đó các nhân viên y tế tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NCID) là những người đầu tiên được tiêm vắc xin.

Các vắc xin nổi tiếng khác đang chờ được phê duyệt bao gồm vắc xin của Moderna và Oxford-AstraZeneca. Hai loại vắc xin này đạt hiệu quả thử nghiệm lần lượt là 95% và 62-90%. Trong khi đó, vắc xin Sinovac của Trung Quốc được thông báo có kết quả khả quan, song cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố.

Sau khi được các cơ quan chức năng phê duyệt, việc vắc xin nào được sử dụng tại quốc gia nào sẽ phụ thuộc vào các thỏa thuận ký kết với các nhà sản xuất vắc xin tư nhân và Covax - sáng kiến toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ nhằm đảm bảo cho các nước có thu nhập thấp hơn được tiếp cận vắc xin một cách công bằng.

Ngoài ra, các yếu tố khác mà chính phủ các nước cũng phải cân nhắc liên quan tới vắc xin bao gồm chi phí, yêu cầu bảo quản và nhận thức của cộng đồng.

"Chi phí là một vấn đề lớn, có thể cản trở một số nước trong việc tiếp cận loại vắc xin như họ mong muốn. Khoản tiền này không chỉ bao gồm giá vắc xin, mà quan trọng hơn còn là chi phí cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc lưu trữ và phân phối vắc xin", John Siu Lun Tam, giáo sư về vi trùng học tại Đại học Bách khoa Hong Kong, nhận định.

Thách thức của chiến dịch vắc xin

Châu Á căng mình với cuộc đua vắc xin lịch sử - 2

Nhân viên kiểm tra vắc xin tại nhà máy của Sinovac ở Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Theo SCMP, bất chấp những nỗ lực của sáng kiến Covax, vẫn có những lo ngại rằng các quốc gia có thu nhập thấp hơn trong khu vực sẽ bị bỏ lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin.

Tại Đông Nam Á, các quốc gia đang phải đối mặt với vô số thách thức liên quan đến chi phí, lưu trữ và phân phối vắc xin. Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đã tuyên bố sẽ dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ở khu vực sông Mekong bằng cách tiếp nhận công nghệ của Oxford-AstraZeneca để tự sản xuất hàng triệu liều vắc xin như "hàng hóa công cộng" cho các nước láng giềng.

Myanmar, Lào và Campuchia vẫn phụ thuộc nhiều vào cam kết của Covax nhằm cung cấp 20% số liều vắc xin cần thiết với mức giá thấp, hoặc mua vắc xin của Nga và Trung Quốc. Nga và Trung Quốc vẫn khen ngợi vắc xin Covid-19 tự sản xuất trong nước, trong khi các nước phát triển vẫn hoài nghi về sự minh bạch và phần lớn từ chối tiếp cận vắc xin của hai nước này.

Campuchia được cho là đang tìm đến Nga để mua vắc xin Covid-19 với mức giá phải chăng, ngoài 1 triệu liều họ được đảm bảo gần đây thông qua sáng kiến Covax. Tại một phiên họp gần đây của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã kêu gọi các nước giàu hơn giúp đỡ các nước nghèo hơn tiếp cận vắc xin Covid-19 với giá cả phù hợp.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh sẽ có "các hành động thiết thực để đảm bảo vắc xin có giá cả phải chăng và luôn có sẵn".

Tính đến nay, Indonesia đã mua 125,5 triệu liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc, trong khi Philippines đang cân nhắc mua 20 - 50 triệu liều, còn Singapore đã đặt hàng với số lượng chưa rõ. Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile được cho là đã đặt mua vắc xin từ công ty Trung Quốc, trong khi Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã cấp phép sử dụng cho vắc xin này, theo Reuters.

Mặc dù tự coi mình là quốc gia dẫn đầu khu vực về triển khai vắc xin, Thái Lan hiện mới chỉ đặt mua số liều vắc xin đủ để tiêm chưa đến 20% dân số thông qua hợp đồng trị giá 80 triệu USD cho vắc xin Oxford-AstraZeneca. 26 triệu liều vắc xin mà Thái Lan dự kiến mua sẽ được bàn giao từ tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau. Thái Lan cũng kỳ vọng sẽ có vắc xin rẻ hơn được sản xuất trong nước của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và dự kiến thử nghiệm trên người từ tháng 4 năm sau.

Việt Nam cũng kỳ vọng vào vắc xin nội địa, khi 4 công ty trong nước đang phát triển vắc xin. Vắc xin của Nanocovax tại Việt Nam dự kiến có giá khoảng 120.000 đồng (5,17 USD) cho mỗi mũi tiêm. Mức giá này thấp hơn so với mức giá từ 8-74 USD của vắc xin Oxford-AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna.

Andrea Taylor, trợ lý giám đốc các chương trình tại Viện Y tế Toàn cầu Duke ở Durham, North Carolina, cho rằng các quốc gia có thu nhập cao đã mua hơn một nửa số liều vắc xin trên thế giới thông qua các thỏa thuận sớm trên thị trường, dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới.

"Hiện nhiều quốc gia thu nhập thấp hơn, bao gồm các nước châu Á - Thái Bình Dương, đang phải đối mặt với khoảng cách lớn về tỷ lệ vắc xin Covid-19 trên dân số. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng việc tiếp cận không công bằng với vắc xin sẽ dẫn đến tình hình tồi tệ hơn, cả về thành quả y tế và suy thoái kinh tế. Các nước thu nhập cao phải đối mặt với thâm hụt GDP tổng cộng 120 tỷ USD vào năm tới, nếu các nước thu nhập thấp hơn không được tiêm chủng. Chúng ta dường như sẽ phải đối mặt với tình huống mà có người được tiêm và người không được tiêm, ít nhất trong vài năm tới, và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn cho tất cả mọi người", bà Taylor nhận định.

Ngay cả khi vắc xin được cung ứng đầy đủ, một số quốc gia có thể đối mặt thách thức rõ rệt về hậu cần để tiêm chủng cho người dân. Nhiều quốc gia, bao gồm các nước Đông Nam Á, có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện lạnh để lưu trữ vắc xin, đặc biệt là vắc xin của Pfizer-BioNTech với nhiệt độ lưu trữ -80 độ C.

Tại những nước đông dân như Ấn Độ, những lo ngại đã được đặt ra về nguồn nhân lực sẵn có để tiêm chủng cho hơn 1,3 tỷ người. Các chuyên gia y tế công cộng ở địa phương hoài nghi về kế hoạch của chính phủ trong việc huy động 154.000 trong số 239.000 hộ sinh cho chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.

Một số chính phủ trong khu vực có thể phải đối mặt với sự hoài nghi của công chúng về các loại vắc xin mới, đặc biệt là những vắc xin từ Trung Quốc và Nga.

Bayu Satria Wiratama, nhà dịch tễ học tại Đại học Gadjah Mada, cho biết làn sóng phản đối vắc xin đang gia tăng tại Indonesia do sự phụ thuộc chính phủ vào vắc xin Trung Quốc. Masayuki Miyasaka, giáo sư danh dự về miễn dịch học tại Đại học Osaka, cho biết công chúng lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin tại Nhật Bản.

"Chúng tôi biết rằng Sinovac chưa công bố bất kỳ kết quả nào về hiệu quả của vắc xin nhưng chính phủ Indonesia đã mua chúng, do vậy điều này thúc đẩy các thuyết âm mưu", ông Wiratama nói.