1/5 dân số thế giới sẽ phải mòn mỏi chờ vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy các nước giàu đã đặt hàng hơn một nửa vắc xin Covid-19 và ít nhất 1/5 dân số thế giới - tương đương hơn 1,5 tỷ người - có thể phải đợi tới năm 2022 mới được tiếp cận vắc xin.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, một nhóm nghiên cứu từ Trường y tế công Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) đã phân tích các đơn đặt hàng trước khi vắc xin của các hãng dược lớn được phê chuẩn và nhận thấy các nước thu nhập cao, chiếm 14% dân số thế giới, đã đặt hàng 1/2 trong tổng số 7,5 tỷ liều vắc xin từ 13 hãng phát triển vắc xin hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp đã đặt hàng với 6 hãng sản xuất mặc dù họ chiếm phần đông dân số thế giới hơn.
Thế giới đang chạy đua để sản xuất các vắc xin hiệu quả và an toàn chống Covid-19, căn bệnh cho tới nay đã khiến hơn 1,7 triệu người thiệt mạng và hơn 75 triệu người mắc bệnh.
Anh và Mỹ đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin đại trà, trong khi các quốc gia trong Liên minh châu Âu bắt đầu tiêm từ cuối tháng 12.
Tuy nhiên, lộ trình vẫn chưa rõ ràng đối với các quốc gia khác. "Dù 13 trong số các hãng sản xuất vắc xin này thành công trong việc đạt tới năng lực sản xuất tối đa, ít nhất 1/5 dân số thế giới (tương đơng trên 1,5 tỷ người) có thể không tiếp cận được với vắc xin cho tới năm 2022", các nhà nghiên cứu viết.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới với khoảng 1/5 số ca bệnh toàn cầu, đã dự trữ 800 triệu liều vắc xin. Nhật Bản, Australia và Canada đã đặt trước tổng cộng hơn 1 tỷ liều vắc xin, mặc dù các nước này chỉ chiếm gần 1% số ca bệnh Covid-19 toàn cầu.
Nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh vào ngày 15/12, ít ngày trước khi liên Covax, sáng kiến toàn cầu về phân phối công bằng vắc xin Covid-19, thông báo đã đảm bảo gần 2 tỷ liều từ vài ứng viên vắc xin triển vọng.
190 quốc gia tham gia liên minh sẽ "tiếp cận vắc xin trong nửa đầu năm 2021, trong đó các lô vắc xin đầu tiên dự kiến bắt đầu được ban giao trong quý đầu của năm 2021", theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Liên minh trên đã đăng ký với các hãng phát triển vắc xin, trong đó có AstraZeneca và Johnson & Johnson, cũng như hãng chế tạo vắc xin lớn nhất thế giới về số lượng, Viện Serum của Ấn Độ. Các cuộc đàm phán cũng đang tiếp diễn với các công ty dược khác, trong đó có Moderna và liên doanh Pfzier-BioNTech từ Mỹ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra chiến lược của các quốc gia nhằm đa dạng nguồn cung vắc xin. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Canada đã đặt hàng với ít nhất 6 hãng sản xuất khác nhau, trong khi Nhật Bản đặt hàng từ ít nhất 4 hãng và Brazil đặt hàng từ ít nhất 3 hãng.
Giá cả và nhiệt độ mà các loại vắc xin được bảo quản cũng là một yếu tố cân nhắc. Hơn 40% các đơn đặt hàng trước từ các nước giàu liên quan tới vắc xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, vốn có thể bảo quản trong tủ lạnh và có giá rẻ nhất.
Vắc xin do Anh chế tạo có giá 8 USD mỗi liều cho các quốc gia như Mỹ, Anh, Brazil và Trung Quốc, và 6 USD mỗi liều do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất, vốn được dành cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Chỉ các nước giàu mới có thể đặt hàng các vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna, vốn đã được Mỹ phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp.
Hai vắc xin trên sử dụng kỹ thuật tiên tiến và có độ hiệu quả trên 90%, nhưng chúng đắt hơn nhiều so với vắc xin của Oxford và cần được bảo quan trong nhiệt độ siêu lạnh.
Vắc xin Pfizer/BioNTech có giá 39 USD mỗi liều, trong khi vắc xin của Moderna có giá từ 64-74 USD mỗi liều.