1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chất xúc tác" khiến tranh luận Trump - Biden trở nên hỗn loạn

Minh Phương

(Dân trí) - Khán phòng thưa thớt có thể là một phần lý do khiến hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden quay sang tập trung công kích nhau khiến cuộc tranh luận trở nên hỗn loạn.

Toàn bộ cuộc tranh luận đầu tiên Trump - Biden
Chất xúc tác khiến tranh luận Trump - Biden trở nên hỗn loạn - 1

Hai ứng viên tổng thống Mỹ công kích lẫn nhau trong cuộc tranh luận đầu tiên. (Ảnh: AFP)

Đại dịch Covid-19 khiến cuộc tranh luận tổng thống Mỹ năm nay trở khác biệt. Chỉ một lượng nhỏ khán giả được phép tới khán phòng để theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống và phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Thông thường, các cuộc tranh luận tổng thống ở Mỹ diễn ra ở hội trường lớn với khoảng 1.000 người tham dự. Tuy nhiên, trong buổi tranh luận ngày 29/9, chỉ vài chục người, bao gồm cả các thành viên gia đình, đội ngũ cố vấn tranh cử, đội ngũ an ninh, y tế, phóng viên. Thay vì một khán phòng lớn, khán phòng lựa chọn cho cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và Biden chỉ là một hội trường nhỏ của trường đại học.

Politico cho rằng căn phòng gần như trống vắng dường như trở thành chất xúc tác khiến cuộc tranh luận bỗng chốc trở thành một cuộc công kích hỗn loạn.

Khi ông Trump cáo buộc con trai ông Biden lạm dụng chính trị khi cha mình còn làm phó tổng thống, bên dưới không có tiếng reo hò hay la ó. Khi ông Biden cáo buộc chủ nhân Nhà Trắng "nói dối", bên dưới cũng không có tiếng vỗ tay hay tiếng rì rầm phản bác nào. Bầu không khí khá tĩnh lặng ngoại trừ mỗi khi các ứng viên ngắt lời đối thủ hoặc người dẫn chương trình.

Trong phần lớn cuộc tranh luận, âm thanh duy nhất bên trong khán phòng là tiếng bấm máy của phóng viên ảnh hay thi thoảng ai đó húng hắng ho. Khi hai ứng viên tranh luận đặc biệt gay gắt, khán giả cũng chỉ im lặng nhìn nhau.

Trong khán phòng thưa thớt, ông Trump liên tục công kích gay gắt, trong khi ông Biden đáp trả không quá lớn ngoại trừ khi ông lên tiếng bảo vệ con trai Hunter trước những cáo buộc của ông Trump. Thi thoảng, ông Biden cố kết nối với người theo dõi qua truyền bằng cách nhìn thẳng vào ống kính máy quay, nhưng ngay lập tức đã bị ông Trump kéo trở lại.

Chất xúc tác khiến tranh luận Trump - Biden trở nên hỗn loạn - 2

Nơi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden. (Ảnh: Reuters)

“Sự thiếu vắng khán giả buộc hai ứng viên phải tìm kiếm một phương thức kết nối khác. Không có những tràng vỗ tay, không có những tràng cười”, Jon Meacham, nhà sử học nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ, nhận định.

“Có cảm giác khán giả tại hội trường mới là những người mà các ứng viên thực sự quan tâm để thể hiện màn tranh luận của mình, như thể họ là bồi thẩm đoàn. Sự hiện diện của khán giả rất quan trọng. Nếu không có điều đó, động lực (của người tranh luận) sẽ thay đổi”, John Donvan, cựu phóng viên Nhà Trắng của ABC, bình luận.

Các cuộc tranh luận tổng thống ở Mỹ bắt đầu từ năm 1960 giữa ứng viên John F. Kennedy và Richard M. Nixon. Hai ứng viên đã tham gia 4 cuộc tranh luận từ trường quay mà không có khán giả. Một cuộc tranh luận thậm chí diễn ra khi hai ứng viên ở hai đầu đất nước. Chỉ từ sau năm 1976, các cuộc tranh luận mới có sự tham gia của khán giả.

Năm 2016, khi người dẫn chương trình đề nghị khán giả tại 3 cuộc tranh luận giữa ông Trump và ứng viên Hillary Clinton giữ trật tự, họ vẫn xì xào bàn tán, cười nói, vỗ tay, reo hò khi hai ứng viên chỉ trích nhau. Ông Trump khi đó đã liên tục “chiếm sóng” nhờ sự hưởng ứng của khán giả. Trong cuộc tranh luận thứ hai với bà Clinton, ông Trump thậm chí đi qua đi lại trên sân khấu, tiến lại gần đối thủ khi bà Clinton tranh luận. Ngược lại, trong cuộc tranh luận hôm qua, ông Trump và ông Biden chỉ đứng sau bục phát biểu, và cũng không có màn bắt tay khi lên sân khấu.

Những điểm nhấn trong màn tranh luận "nóng như chảo lửa" giữa Trump - Biden