1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chào buổi sáng Việt Nam tại Oklahoma

(Dân trí) - Tờ New York Times vừa có bài viết thú vị về các món ăn Việt Nam tại thành phố Oklahoma, Mỹ. Tác giả bài này là phóng viên Matt Gross từng có thời gian sống tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1996-1997.

Người Mỹ không thích rau. Ít nhất, tôi cũng được biết được điều này sau gần 2 tháng đi dã ngoại, ăn tại vô số quán café và rất ít khi bắt gặp rau xanh và tươi. Tôi phải ăn những món salad lạnh ngắt, pho mát không mùi vị trong khi những món rau như đậu và bắp cải đã bị chế biến rất kỹ. 

Không phải vì thức ăn không ngon nhưng một bữa ăn toàn thịt, tinh bột và chất béo không phải là điều bạn muốn khi phải ngồi nhiều giờ trên ôtô mỗi ngày. Thông thường, khi nuốt những món ăn nhiều chất, tôi tự hỏi liệu có phải ví tiền của mình đã khiến tôi tránh xa các nhà hàng nhiều rau hay không. Nhưng, không. Tôi ít khi liếc vào những nơi như vậy ở bên ngoài những thành phố lớn và những thị trấn hiện đại.

Vì vậy, tôi đã nghĩ tới thành phố Oklahoma và lái xe nhanh về phía nam. Tôi chỉ có một thứ trong đầu: món ăn Việt Nam.

 

Thật bất ngờ là Okalahoma có số lượng người Việt Nam đáng kể - khoảng 20.000 người, theo số liệu từ tổ chức Cộng đồng Mỹ-Việt. Những cộng đồng thiểu số như vậy là một thực tế mới tại Mỹ, ví như người Hmong sống tập trung tại bang Minnesota trong khi khoảng 30.000 người Somali sống tại Columbus, bang Ohio. Và trong mỗi trường hợp, những người di cư đã mang các công thức nấu nướng của riêng họ tới đây - những món ăn ngon, nhiều rau và lại không đắt.

 

Chào buổi sáng Việt Nam tại Oklahoma - 1

Đông đảo thực khách thưởng thức phở Việt Nam tại quán Phở Hoà ở Okalahoma. 

Tôi tới Oklahoma vào tối chủ nhật, thuê phòng tại một khách sạn trông có vẻ sạch sẽ, rẻ và có internet không dây. Hospitality Inn là một khách sạn đơn giản, 2 tầng, được bố trí quanh một hồ bơi và chủ khách sạn đã giảm giá từ 62 USD xuống 51,25 USD khi tôi nói sẽ ở lại trong 3 ngày.

 

Tôi có nhiều thứ phải làm nhưng kế hoạch thực sự là ăn hết khả năng các món ăn Việt Nam. Tôi tỉnh dậy vào sáng chủ nhật và đi bộ. Khách sạn nằm trên một đường cao tốc nhưng phía nam là công viên Will Rogers với những cánh đồng cỏ, cây cối và hồ. Những con vịt, ngỗng và thỏ rừng chạy nhốn nháo khi tôi lên cầu, qua vườn hồng và dạo quanh vườn ươm cây trong khoảng 30 phút. Trên đường trở về, tôi để ý thấy một trung tâm tennis của công viên và tự hỏi liệu có thể tìm được ai chơi cùng vào buổi chiều hay không.

 

Nhưng đã tới giờ ăn sáng, tôi lái xe dọc thành phố, qua nhiều hàng ăn để tới quận châu Á khiêm tốn với những khu buôn bán và những ngôi nhà hơi siêu vẹo trên đại lộ Bắc Classen. Tôi biết chính xác thứ tôi sẽ ăn: đó là Phở, món canh gồm mì và thịt bò, được xem là món ăn truyền thống của người Việt Nam. Đó có thể là một bữa sáng lạ nhưng trên khắp vùng Đông Nam Á, người dân thường bắt đầu một ngày với món canh mì.

 

Và tôi tới quán Phở Hoà, như gợi ý của một người bạn sinh ra tại Oklahoma. Ngồi trong căn phòng sáng sủa chật ních các gia đình Việt Nam, tôi gọi một bát phở nhỏ. Sợi mì mỏng nhưng rất dai, nước phở thơm nức mùi cánh hồi, điểm lên trên là vài lát thịt bò mỏng. Tôi rắc lên trên vài chiếc giá đỗ, húng quế, vắt một lát tranh và trộn đều lên.

 

Khi chấm miếng thịt bò vào đĩa tương ớt Sriracha, tôi có thể cảm nhận được đã bao lâu rồi tôi chưa ăn như thế này. Cái lưỡi của tôi, vốn rất giỏi chịu đựng, đã rát bỏng lên vì cay. Tôi nhấp một chút soda chanh muối và sau đó bước ra khỏi cửa với một cốc cà phê đá có sữa đặc mà chỉ phải trả 11,53 USD.

 

Sau cuộc tản bộ vòng quanh khu vực, tôi trở lại quận châu Á vào khoảng 11h30 sáng và tìm kiếm bánh mì - món sandwiches của người Việt. Và tại thành phố Oklahoma, dấu hiệu để nhận biết một cửa hàng bánh mì là một chai sữa to giương trên nóc một quán nhỏ trên đại lộ Classen. Trước kia, đây là nơi đã bán kem cho Braum và giờ đây là bánh mì Ba Lê. Bánh mì có thịt quay, patê, chả lụa, cà rốt, rau mùi và ớt xanh. Tôi rất thích chúng, đặc biệt là khi chúng chỉ tốn của bạn có 1,85 USD. Thật là buồn cười khi bạn chỉ phải trả một khoản tiền quá nhỏ.

 

Sau khi thăm Bảo tàng di sản phương tây và Cowboy quốc gia, tôi tới quán Bánh Cuốn Tây Hồ để ăn điểm tâm buổi chiều. Bánh cuốn là món đặc trưng của miền bắc, làm từ gạo, có thịt và nấm, ăn kèm với giá đỗ, dưa chuột thái lát, chả lụa và húng bạc hà. Ở đây phục vụ cả bánh rán khoai tây tôm vừa mặn vừa ngọt lại vừa giòn vừa mềm. Toàn bộ đĩa ăn bao gồm những hương vị nổi tiếng chỉ mất 6 USD.

 

Và bây giờ, sau 3 bữa ăn, tôi cần phải làm việc để tiêu đói. Tôi trở lại công viên Will Rogers, hi vọng có thể tìm được ai đó chơi tennis cùng nhưng chẳng có ai. Thay vì chơi tennis, tôi đi bơi trong bể bơi của khách sạn. Sau một giấc ngủ ngắn, tôi lại sẵn sàng đi ăn.

 

Theo hướng dẫn của chủ quán bánh mì Ba Lê, tôi tới quán Golden Phoenix cũng trên đại lộ Classen. Cửa hàng ồn ào với nhiều thực khác là các gia đình và sinh viên đại học. Với sự giúp đỡ của cô bán hàng cứ cười khúc khích vốn tiếng Việt nghèo nàn của tôi, tôi chọn món ăn miền nam của người Việt - những món mà tôi ăn hàng ngày 10 năm về trước. Đầu tiên, tôi thưởng thức món cua bấy chiên, rau muống xanh xào tỏi cùng với cơm. Cuối cùng, tôi gọi món gỏi ngó sen, một món salad với dưa chuột, ngó sen non và rau răm.

 

Tôi ăn, ăn và ăn. Dù nhanh chóng nhận ra mình sẽ phải đi Texas nhưng hiện tại tôi đang thưởng thức rau tươi, bỏng lưỡi với món ớt và dìm mình trong nước mắm - niềm hạnh phúc tột độ ngay giữa trung tâm nước Mỹ.

 

Ăn xong, tôi chỉ phải trả 48 USD (bao gồm cả một cốc bia, món tráng miệng và tiền boa) và hầu như không đụng tới món salad ngó sen vì tôi đã ăn quá nhiều. Thay vì đó, tôi cho vào hộp và mang về khách sạn. Đó không phải là phở nhưng có thể ăn vào buổi sáng.

 

Ánh Ninh

Theo New York Times