1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung ứng viên Ngoại trưởng “tâm đầu ý hợp” của ông Trump

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/3 bất ngờ thông báo Giám đốc CIA Mike Pompeo sẽ thay thế ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ. Ông Pompeo được mô tả là người khá “tâm đầu, ý hợp” với Tổng thống.


Giám đốc CIA Mike Pompeo được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ. (Ảnh: AFP)

Giám đốc CIA Mike Pompeo được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ. (Ảnh: AFP)

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Pompeo, cựu nghị sĩ bang Kansas, sẽ trở thành người đầu tiên liên tiếp giữ vai trò người đứng đầu cơ quan tình báo và cơ quan ngoại giao của Mỹ.

Ông Pompeo, năm nay 54 tuổi, tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ năm 1986, sau đó tiếp tục theo học trường Luật Havard đến năm 1994. Ông được bầu vào quốc hội Mỹ năm 2010 và là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Iran và Triều Tiên, là người có tư tưởng bảo thủ về các vấn đề an ninh quốc gia.

Ông có chung quan điểm với ông Trump về việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thực tế, không lâu sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, ông Pompeo bình luận trên Twitter rằng: "Tôi mong muốn rút lại thỏa thuận thảm họa với quốc gia lớn nhất thế giới tài trợ cho khủng bố".


Ông Pompeo được coi là nhân vật trung thành với Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Ông Pompeo được coi là nhân vật trung thành với Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Mối quan hệ giữa ông Pompeo và Tổng thống Trump càng trở nên gần gũi hơn khi ở vai trò Giám đốc CIA, ông là người trực tiếp tóm tắt các thông tin tình báo hàng ngày cho ông Trump.

Ông được coi là nhân vật trung thành với Tổng thống Trump và thậm chí là "người trung hòa" trong bối cảnh quan hệ giữa Tổng thống với CIA có phần căng thẳng. Ông Pompeo từng bác bỏ cáo buộc của CIA cho rằng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 mặc dù ông vốn là người có quan điểm cứng rắn về các vấn đề liên quan đến Nga. Ông Pompeo từng cho rằng Nga là mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng với Mỹ và mới đây khi trả lời phỏng vấn BBC, ông Pompeo nói ông nghĩ Nga sẽ tìm cách can thiệp bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.

Mặc dù là người chiếm được nhiều cảm tình từ Tổng thống Trump, nhưng ở vai trò Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có việc duy trì mối quan hệ với Tổng thống Trump mà không bị coi là "thiên vị" phe Dân chủ, hay xốc lại Bộ Ngoại giao Mỹ sau một năm nhiều biến động, hay xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ với Nga, Triều Tiên và Iran.

Các nhà quan sát cũng cảnh báo, việc có chung quan điểm với Tổng thống cũng có thể là “con dao hai lưỡi” với chính ông Pompeo. “Nếu người ta nhận thấy ngoại trưởng không có chung tiếng nói với tổng thống, như Ngoại trưởng Rex, điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của ngoại trưởng”, Michael Allen, cựu quan chức quan ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nhận định. Tuy nhiên, nếu luôn nói theo quan điểm của Tổng thống, ông Pompeo sẽ “mất điểm” với đảng Dân chủ - một phần quan trọng trong quá trình phê chuẩn ứng viên và thực thi các ưu tiên chính sách ngoại giao.

Minh Phương

Theo BBC, NYTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm