1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chaebol - hoàng kim và thoái trào

Việc Tòa án trung tâm thủ đô Seoul khước từ ra lệnh bắt giữ lãnh đạo Tập đoàn Samsung trong tuần qua được xem như một cú sốc với giới công tố và cả người dân Hàn Quốc - những người biểu tình suốt nhiều ngày qua để kêu gọi việc này.

Tuy nhiên, tới đây sẽ có thêm hàng loạt các tập đoàn lớn ở nước này bị chính quyền “sờ gáy” do liên quan tới bê bối hối lộ.

Trụ sở Tập đoàn Samsung tại khu Gangnam, thủ đô Seoul (Nguồn: Getty).
Trụ sở Tập đoàn Samsung tại khu Gangnam, thủ đô Seoul (Nguồn: Getty).

Thời hoàng kim của các Chaebol

Trong khoảng những năm 1990, người dân Hàn Quốc thường có câu nói đùa rằng: Nếu như một nhân viên của các tập đoàn gia đình trị Hàn Quốc – còn gọi là Chaebol – gặp phải một con gấu khi đi dạo trong rừng thì họ sẽ làm gì? Nhân viên của Hyundai sẽ lập tức đập chết con gấu không chút do dự, Daewoo thì gọi điện ngay cho Chủ tịch Kim Woo-jung và chờ chỉ thị. Samsung sẽ tổ chức một cuộc họp ngay trước mặt con gấu, và LG thì chờ cách phản ứng của Samsung và làm theo tương tự.

Rất nhiều phiên bản của câu nói này đến nay vẫn còn lan truyền, nó cho thấy các Chaebol này có tầm ảnh hưởng như thế nào tới tiềm thức của người dân xứ sở Kim chi.

Dù cho Tập đoàn Daewoo hiện đang suy yếu nhưng các tập đoàn còn lại vẫn rất mạnh mẽ và là những phần không thể thiếu của nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới. Chaebol ở Hàn Quốc có nhiều vô số, nhưng lớn nhất thì chỉ gói gọn trong nhóm “Bộ Tứ” gồm Hyundai Motor, Tập đoàn SK, Samsung và LG.

Trong thế kỷ trước, các Chaebol đóng vai trò quan trọng trong công cuộc kéo đất nước Hàn Quốc thoát khỏi nghèo đói sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Để làm được điều này, rất nhiều Chaebol đã tìm cách quảng bá thương hiệu ra thế giới, và kết quả là đến nay không ai là chưa từng nghe tới điện thoại di động của Samsung, máy giặt của LG, xe hơi của Hyundai…Tầm ảnh hưởng của họ không chỉ gói gọn ở Hàn Quốc mà đã lan rộng khắp thế giới.

Rất nhiều Chaebol có nguồn gốc từ thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, trong khoảng 1910-1945. Các Chaebol khác, như Tập đoàn công nghiệp nặng Doosan, thì có nguồn gốc lâu đời hơn, từ triều đại cuối cùng của đất nước này.

Nhưng câu chuyện về Chaebol thực sự nổi tiếng kể từ sau khi chúng trở thành những “Người khổng lồ” trong nền kinh tế nước nhà.

Năm 1963, tướng Park Chung-hee tiến hành đảo chính và trở thành nhà độc tài lãnh đạo Hàn Quốc. Với sự công nhận của Mỹ, ông Park bắt đầu tiến hành xây dựng một nền kinh tế vững mạnh để Hàn Quốc có thể trở thành một thế lực toàn cầu.

Mối quan hệ do ông Park xây dựng với tập đoàn tài phiệt đã góp phần định hình cho nền kinh tế-chính trị Hàn Quốc từ thập niên 1960 cho đến nay.

Một mặt, Tổng thống Park áp dụng vô số biện pháp ép buộc, thao túng và thậm chí là đe dọa các tập đoàn phải theo ý của mình. Nhưng ngược lại, ông cũng đưa ra rất nhiều biện pháp khuyến khích, từ các khoản vay, giảm thuế cho đến những chính sách khuyến khích kinh doanh đầy ưu đãi.

Các chính sách kinh tế của ông đã thay đổi bộ mặt của Hàn Quốc. Sự giàu có đi kèm với lòng tự tôn dân tộc càng ngày càng dâng cao, và các thành công của các Chaebol – công cụ phát triển kinh tế của ông Park – được coi là thành công của dân tộc Hàn Quốc.

Kết quả là trong hai thập niên 1960 và 1970, Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ bậc nhất châu Á, đối lập hoàn toàn với thời kỳ Syngman Rhee (Tổng thống đầu tiên của Nam Hàn).

Người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong trong một phiên thẩm vấn tại tòa án Seoul hôm 18-1 (Nguồn: WSJ).
Người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong trong một phiên thẩm vấn tại tòa án Seoul hôm 18-1 (Nguồn: WSJ).

Thời thế thay đổi

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, người dân Hàn Quốc đã liên tục yêu cầu Chính phủ của họ đề ra các chính sách mới nhằm khống chế quyền lực của các tập đoàn gia đình trị.

Và trong khi đất nước đang trải qua vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye, các đảng đối lập hoàn toàn có thể đáp ứng được lời kêu gọi này nếu họ thắng cử.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu liên quan tới các Chaebol từ lâu đã trở thành một vấn đề lớn của nền kinh tế Hàn Quốc, phản ánh rõ ràng nhất trong vụ bê bối chính trị đang đe dọa sự nghiệp của Tổng thống Park.

Bà Park cùng người bạn thân của bà, bà Choi Soon-sil, bị cáo buộc gây áp lực với các tập đoàn lớn nhất nước, gồm Samsung, Lotte, SK Group và Hyundai, để họ phải đóng góp các khoản tiền khổng lồ cho các chương trình mà Tổng thống Park đang thực hiện.

Khi sự việc bị phanh phui, người thừa kế tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong bị buộc tội hối lộ cho bà Choi khoản tiền 36,42 triệu USD trong một phiên tòa tổ chức hôm 19/1 vừa qua tại Seoul. Tuy nhiên, tòa án này từ chối ra lệnh bắt giữ ông Lee.

“Để xử lý một cách nghiêm túc vấn đề về Chaebol, chúng ta cần phải có hành động về mặt chính trị chứ không chỉ là về pháp lý. Đã từng có rất nhiều lãnh đạo của Chaebol từng bị kết tội, để rồi sau đó lại được tha bổng” – Robert Kelly, Giáo sư Đại học Quốc gia Pusan, nhận định.

Giới công tố Hàn Quốc trong tuần qua đã hé lộ về kế hoạch sẽ đưa ra cáo buộc đối với một số Chaebol khác như Lotte và Hyundai nếu như nắm được chứng cứ rõ ràng.

Văn phòng của Lotte và SK Group từng bị lục soát hồi tháng 11/2016 nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra. Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin đã bị truy tố vào tháng 10-2016 trong cuộc điều tra tham nhũng dính líu tới tội phạm tài chính, nhưng cũng tránh được lệnh bắt giữ.

Nhiều nhà phân tích như ông Kelly tin rằng các Chaebol của Hàn Quốc sẽ phải trải qua một cuộc cải cách sâu rộng nếu như Tổng thống Park bị buộc phải từ chức và người dân nước này bầu chọn một vị Tổng thống mới thiên về cánh tả.

Hiện nay, các đảng phái đối lập như đảng Minjoo và đảng Nhân dân của Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về việc hình thành các bộ luật mới nhằm chống lại tư bản độc quyền và ủng hộ bình đẳng thương mại nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng và khối tài sản khổng lồ của các Chaebol.

Một cuộc bầu cử nhằm lựa chọn một vị Tổng thống mới có nhiệm kỳ 5 năm đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 20/12 năm nay, nhưng nếu như Tòa án Hiến pháp thông qua việc luận tội bà Park, bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày tiếp đó.

Các ứng viên cánh tỏa sáng giá hiện nay bao gồm ông Moon Jae-in đến từ đảng Dân chủ và Thị trưởng Seongnam Lee Jae-myung thuộc đảng Minjoo.

Theo một cuộc thăm dò do Hãng Real Meter thực hiện trên 2.525 người tham gia công bố hôm 9/1, ông Moon nhận được 26,8% sự ủng hộ, cao nhất trong số các ứng viên.

Giới công tố đặc biệt Hàn Quốc còn tuyên bố rằng, các tập đoàn lớn khác như SK, Lotte và CJ sẽ là các mục tiêu tiếp theo của họ. Các tập đoàn này bị cáo buộc đã hối lộ tổng số tiền lên tới 70 triệu USD cho 2 tổ chức mà bà Choi Soon-sil vận hành.

Sự phẫn nộ của dư luận

Đảng bảo thủ Saenuri của bà Park, ngược lại, không sẵn lòng để dập tắt tầm ảnh hưởng của các Chaebol bởi bà vốn có mối quan hệ truyền thống với các “đế chế gia đình trị” này.

Chaebol từ trước đến nay vẫn ở vị trí thống trị trong nền kinh tế Hàn Quốc, với mỗi tập đoàn cai quản các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ví dụ, Hyundai là nhà sản xuất xe hơi đứng thứ 5 trên thế giới, công ty vận chuyển container đứng thứ 15, nhà sản xuất thép đứng thứ 13 và còn tham gia sản xuất cả các tấm năng lượng mặt trời và trang thiết bị xây dựng khác…

Doanh thu năm 2015 của 5 Chaebol lớn nhất tương đương với 58% GDP của Hàn Quốc; theo một con số thống kê của Đại học Quốc gia Singapore.

Thậm chí ngay cả trước khi bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun-hye bị phanh phui, sự phẫn nộ của dư luận Hàn Quốc đối với Chaebol cũng đã ở mức rất cao, đặc biệt là về các đặc quyền kinh tế, xã hội mà các “đế chế gia đình trị” này được hưởng.

Năm 2014, Phó Chủ tịch của Hãng hàng không Korean Air đã gây nên sự phẫn nộ chưa từng thấy trong dư luận Hàn Quốc sau khi bà này làm trễ một chuyến bay chỉ vì tức giận với một tiếp viên đã phục vụ hạt Mắc-ca trên túi giấy thay vì trên đĩa cho bà.

Các gia đình đang đứng đằng sau vận hành Chaebol đều kiếm soát một mạng lưới đồ sộ các công ty con thông qua các cổ đông, bởi vậy mà dù chỉ nắm rất ít cổ phiếu của các tập đoàn này nhưng họ vẫn có tầm ảnh hưởng không ai sánh bằng đối với chúng.

Giới phân tích tin rằng, thực hiện cải cách các Chaebol là một kế hoạch quá tham vọng, chưa kể tới việc ai sẽ trở thành tân Tổng thống của Hàn Quốc.

Thêm vào đó, các Chaebol cũng sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ các lợi ích to lớn của họ nên Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc có thể phải lựa chọn biện pháp tránh xung đột, và tổ chức các cuộc đàm phán về việc cải tổ thay vì ra các chính sách mạnh tay.

Năm bết bát của các Chaebol

-Tháng 8/2016, hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc, Hanjin Shipping Co., đã đệ đơn phá sản, khiến khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá khoảng 14 tỷ USD “mắc kẹt” trên biển.

-Tháng sau đó, công nhân tại Hyundai Motor đình công lần đầu tiên trong 12 năm. Tính đến giữa tháng 10, vụ đình công khiến Hyundai thiệt hại khoảng hơn 3.000 tỷ Won.

-Cơ quan công tố hồi tháng 10 buộc tội Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin và bốn thành viên khác của gia đình sáng lập về nhiều tội danh bao gồm cả việc trốn thuế và tham ô.

-Sau nhiều tuần báo cáo về các vụ nổ pin, Samsung Electronics Co vào tháng 10/2016 đã phải “ khai tử” chiếc smartphone Galaxy Note 7 của mình với cái giá phải trả là hơn 5 tỷ USD.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết